Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 2: Một tay ăn nhậu và nguồn gốc bất thường
“Ngoài việc bị phe chống đối cáo buộc là một kẻ bịp bợm và làm điều ác, Chúa Giêsu còn bị chế nhạo là một tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Thậm chí, họ còn hoài nghi nguồn gốc xuất thân của Ngài, xem Ngài là con của một người cha vô danh. Nhưng dưới góc nhìn của mầu nhiệm cứu độ thì những xúc phạm này là một phần của việc “tự hạ mình” mà Chúa Kitô đã tự nguyện “vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá” (Pl 2:8).
Tranh “Đức Kitô bị chế nhạo” của hoạ sĩ Domenico Fiasella
‘Đây là một tay ăn nhậu!’
Theo Tin Mừng Mátthêu và Luca, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài bằng việc ăn chay 40 ngày (Mt 4:2; Lc 4:2). Ăn chay là một thực hành tôn giáo điển hình của người Do Thái và Chúa Giêsu không chỉ trích nó, mà chỉ kêu gọi mọi người tránh khía cạnh phô trương của nó (Mt 6:16-18). Tuy nhiên, Ngài không coi đó là quy tắc cho những người theo Ngài, đến mức gây ra nhiều lời chỉ trích: “Sao môn đồ của Gioan và môn đồ của người Pharisêu ăn chay, còn môn đồ của Thầy thì không?” (Mc 2:18). Chúa Giêsu trả lời một cách bí ẩn khi nói rằng các môn đệ của Ngài sẽ ăn chay “khi chàng rể được đem đi khỏi họ” (Mc 2:20), ám chỉ cái chết của Ngài. Thực ra, Chúa Giêsu và các môn đệ thường được mời ngồi cùng bàn với những người bạn hoặc như khách được mời (Mc 2:15; Lc 7:36), đến nỗi Chúa bị buộc tội là “tay ăn nhậu” và là bạn của quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,19). Nhưng giống như bác sĩ đến nơi có người bệnh, Chúa Giêsu cũng đến nơi có người tội lỗi (Mt 9:12).
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không dừng lại ở đó. Đi vào vấn đề gai góc liên quan đến thực phẩm không thanh sạch, Ngài đã có một quan điểm hết sức mới mẻ khi tuyên bố rằng “không có gì từ bên ngoài vào trong con người có thể làm họ ra ô uế […], cái gì từ con người xuất ra mới là thứ làm họ ra ô uế […] do đó tuyên bố tất cả các loại thực phẩm “thanh sạch” (Mc 7:18-20)[4]. Có thể bài học này đã không được chấp nhận ngay lập tức vì các môn đệ, với tư cách là những người Do Thái tốt bụng, vẫn tiếp tục tuân thủ những quy tắc ăn uống này. Vì thế, khi Phêrô nhìn thấy tấm khăn bọc đầy thú vật và được mời dùng bữa, đã kêu lên: “Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch” (Cv 10:14). Chỉ khi đó Phêrô mới hiểu rằng con người không thể bị phân biệt đối xử chỉ vì thức ăn, vì Đức Chúa thanh tẩy tâm hồn họ “nhờ đức tin” (Cv15:9). Tuy nhiên, những người Kitô hữu Do Thái tại Hội đồng Giêrusalem đã ra phán quyết chống lại việc “kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết” (Cv 15:20).
Thánh Phaolô đã phải giải quyết vấn đề thịt cúng dùng vào việc tế thần, và ngài đã giải quyết nó bằng cách cho phép tự do lương tâm (1 Cor 10:25; Rom 14:1-4). Dù thế nào đi nữa, quan điểm của ngài rất rõ ràng và phản ánh quan điểm của Chúa Giêsu: “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17). Vì vậy, “dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Tuy nhiên, cuộc đời của vị Tông đồ không phải là một cuộc sống thoải mái dễ dàng: “Tôi đã lao động cực nhọc và nhiều khi phải thức đêm. Tôi đã từng đói khát và thường nhịn ăn. Tôi đã chịu lạnh và trần truồng” (2 Cr11:27), cũng như bị “đánh đập, tù đày và bạo loạn, vất vả, mất ngủ và đói khát” (2 Cr6:5).
‘Vậy cha của ông là ai?’
Tin Mừng Máccô được coi là lâu đời nhất, không đề cập đến nguồn gốc nhân tính của Chúa Giêsu. Tin Mừng chỉ nói rằng Ngài có mẹ tên là Maria (Mc 5:3), rằng Ngài có “anh chị em” (Mc 3:31-35), nhưng không bao giờ đề cập đến cha của Ngài. Người cha duy nhất mà Chúa Giêsu biết là người mà trong lời cầu nguyện Ngài gọi “Abba, Cha ơi!” (Mc 14:36). Chúa Giêsu nói về Con Người sẽ đến “trong vinh quang của Cha Người” (Mc 8:38), và Ngài mời gọi các môn đệ cầu nguyện với “Cha của anh em ở trên trời” (Mc 11:25).
Cha của Gioan Tẩy Giả không được nhắc đến (Mc 1:4) [5] như trường hợp của nhiều môn đệ. Chẳng hạn, Giacôbê và Gioan là “con trai của Dêbêđê” (Mc 1:19-20; 3:17; 10:35); Lêvi được gọi là “con trai của Anphê” (Mc 2:14); còn có Giacôbê “con ông Alphê” (Mc 3:18). Ngược lại, cha của hai anh em Simon và Anrê thì không được biết đến (Mc 1:29) [6]. Với Giacôbê hậu và Giuse, chỉ có mẹ của họ là Maria được nhắc đến (Mc 15:40; 15:47); và trong Mc 6:3 Giacôbê và Giuse được gọi là “anh em” của Chúa Giêsu, nên rõ ràng họ là anh em họ. Hơn nữa, trong Mc 16:1, Giacôbê được gọi là con trai của Maria, xác nhận điều đã nói trước đó. Tóm lại, dữ liệu do Máccô cung cấp về các quan hệ cha con khác nhau không mang tính hệ thống, và do đó không thể thu thập được gì từ sự im lặng về cha của Chúa Giêsu (đích thực hay hợp pháp), ngoại trừ việc, có lẽ vào thời điểm thi hành sứ mạng công khai thì người cha đó đã qua đời.
Tin Mừng Thánh Gioan cũng không đề cập trực tiếp đến người cha trần thế của Chúa Giêsu, nhưng luôn luôn nói đến Cha trên trời của Ngài, Đấng mà Chúa Giêsu sẵn lòng gọi là “Cha tôi” (Ga 2,16). Tuy nhiên, người ta cho rằng Ngài là con trai Giuse: “Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?” (Ga 6:42). Thật vậy, việc ám chỉ đến nguồn gốc trên trời này có thể làm dấy lên sự nghi ngờ về nguồn gốc đáng ngờ: “Họ hỏi Ngài: ‘Cha của ông ở đâu?’ Chúa Giêsu đáp: “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi” (Ga 8:19). Ở đây chúng ta tìm thấy mức độ hiểu biết kép điển hình của Tin Mừng Thứ Tư: người Do Thái hỏi Đức Giêsu về người cha trần thế của Ngài, nhưng Chúa Giêsu lại nói về người Cha trên trời. Tại thời điểm này, sự ám chỉ ác ý trở nên rõ ràng: “Họ trả lời Ngài: ‘Chúng tôi không phải là con ngoài giá thú’, họ phản đối ‘chúng tôi chỉ có một Cha, là chính Thiên Chúa!’” (Ga 8:41), tức là, như họ sẽ làm vào một dịp khác, họ khẳng định: “Chúng tôi thậm chí không biết ông ấy từ đâu đến” (Ga 9:29). Phản ứng của Chúa Giêsu trước lời ám chỉ đầy cay đắng này là: “Tại sao các ông không hiểu lối nói của tôi? […] Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi?” (Ga 8:43, 46).
Có lẽ để tránh cách giải thích mang tính vu khống về nguồn gốc trần thế của Chúa Giêsu, các thánh sử Mátthêu và Luca đã trình bày chi tiết câu chuyện về việc Ngài được thụ thai đồng trinh, theo phả hệ của Thánh Giuse (Mt 1:18-25) và Đức Maria (Lc 1:26-38). Sự thật vẫn là sự vu khống về nguồn gốc bất thường của Chúa Giêsu đã lan rộng trong người Do Thái [7]. Sự ô nhục này rõ ràng cũng đã lan tới cả Mẹ của Ngài. Luca gọi Đức Maria là “trinh nữ” (Lc 1:27), còn Tin Mừng Mátthêu thì trích dẫn Issaia – “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai” (Mt 1:23). Tác giả Tin Mừng dường như muốn ám chỉ một phép lạ lưỡng diện, cả trong thụ thai và trong quá trình sinh nở. Dù thế nào đi nữa, truyền thống Kitô giáo luôn ủng hộ việc thụ thai của Chúa Giêsu khi Đức Maria vẫn còn đồng trinh, và đặc quyền “trọn đời đồng trinh” của Đức Maria.
Tác giả: Enrico Cattaneo, S.J
Người dịch: Phêrô Đào Anh Tuấn, S.J
Nguồn: La Civiltà Cattolica