Mẹ Maria ; Mẫu gương của đời tôi

Hội Dòng

Mẹ Maria ; Mẫu gương của đời tôi.

Nó, sống trong một thế giới của sự phát triển, công nghiệp và mọi thứ hiện đại. Một lần lang thang dạo phố, bỗng dưng đập vào mắt nó là tấm băng rôn treo ngang con hẻm với đầu đề: Chương trình Thần Tượng Tương Lai. Nó chợt giật mình, đúng thật; cuộc sống hiện nay ai cũng có một thần tượng và lượng fan (người hâm mộ) từ mỗi thần tượng cũng không hề nhỏ. Nó điểm lại: À! Ai yêu âm nhạc thịnh hành thì có Sơn Tùng – MTP, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên… ai thích chương trình hài thì chắc là fan ruột của chú Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang; ai mến mộ phim ảnh thì chắc không thể không biết Lý Hải, Ngô Thanh Vân; ai thích trái bóng tròn chắc không bao giờ bỏ lỡ thời gian vàng của World Cup, Euro… thật là nhiều vô kể không thể liệt kê hết được.

Nó quay lại với bản thân, là một tu sĩ, nó có chọn ai làm thần tượng cho bản thân không? Nó nhận ra: À! Cũng có chứ. Khi mới vào tu, nó thần tượng một vài chị-em lớn lớp hơn nó, nó nể phục, ngưỡng mộ đến độ cố gắng làm theo, bắt chước ngay cả dáng đi, kiểu chải tóc của các chị ấy. Thế rồi, một ngày nọ, thần tượng bị sụp đổ, nó cảm thấy hoang mang, choáng váng nhưng cũng chỉ biết loay hoay mà không tìm được lối thoát.

May mắn thay nó không chìm trong biển phù du ấy, giờ đây nó tìm được một chân trời mới, một dấu gạch nối dài trong đời tu của nó, một mẫu gương (nó không gọi là thần tượng nữa mà thay vào đó là mẫu gương vì với nó thần tượng sẽ dễ sụp đổ còn mẫu gương là người đáng được nó chiêm ngắm và bước theo) mà bản thân nó không lo phải sụp đổ. Người đó không ai khác – đó chính là – Mẹ Maria. Tục ngữ có câu: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo.” Mẹ Maria không nói nhiều, nhưng qua đời sống của Mẹ, Mẹ trở thành mẫu gương tuyệt vời cho đời sống tu đức và tâm linh của người tu sĩ và nhất là cho chính nó. Không có bức tranh viết về đời dâng hiến nào đẹp cho bằng cuộc đời của Mẹ. Vì vậy, qua bài viết này, nó ước mong được chia sẻ một chút cảm nghiệm về Mẹ Maria, người phụ nữ tuyệt vời trong lòng nó.

Nó: ở đây chính là tác giả. Tác giả muốn sử dụng một chủ từ khác thay thế mình nhằm mục đích muốn nói lên tâm tình của bản thân dưới cái nhìn khách quan hơn.

Huyền nhiệm hai tiếng “xin vâng” khởi sự cho một hành trình.

Nó hay ngẫm suy về bối cảnh Kinh Thánh, vì vậy mà hiện lên trong đầu nó là bức tranh quen thuộc mà thánh sử Luca đã phát họa nên: một thiếu nữ được truyền tin bởi sứ thần Gabriel (Luca 1: 26-38). Và lẽ dĩ nhiên, với một sự việc bất ngờ như thế, thiếu nữ ấy đã bối rối, đã bày tỏ nỗi lòng của mình. Và cuối cùng khi đã biết về kế hoạch của Thiên Chúa, người thiếu nữ ấy đáp trả bằng “sự vâng phục của đức tin,” với hai tiếng “xin vâng.” Với nó, bài học đầu tiên qua gương mẫu Đức Maria chính là đức khiêm nhường. Vì khiêm nhường Đức Maria đã nói lên tiếng “xin vâng” tuân phục thánh ý Thiên Chúa và cũng chính nhờ tiếng xin vâng khiêm hạ ấy, Con Thiên Chúa đã hạ mình trở nên người phàm hầu mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Chính khi thốt lên tiếng “xin vâng” khiêm hạ ấy đã đưa Đức Maria đến một hành trình mới của cuộc đời.

Hạnh phúc chia sẻ là hạnh phúc nhân đôi.

Khiêm ngường thường gắn liền với phục vụ, đây cũng là mẫu gương tốt đẹp mà nó cảm nhận nơi Mẹ Maria. Với lòng khiêm nhường sâu xa, Đức Maria không hề kiêu hãnh vì danh hiệu cao quý mà Mẹ vừa nhận được. Trái lại, Mẹ ấy hối hả, vội vã đến thăm Elizabeth vì nghe tin vui từ sứ thần, với tâm tình của người nhà, rất đơn sơ, chân thành, Mẹ đến để phục vụ, giúp đỡ người chị họ. Lòng mến thúc đẩy hai trái tim hạnh phúc gặp nhau. Chính Elizabeth đã cảm thán mà thốt lên “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”(Lc 1: 43). Phát xuất từ hạnh phúc ấy, chính hai người phụ nữ cùng ca lên bài ca tán tụng Thiên Chúa, bài ca Magnificat. Chính Đức Maria qua lời ca đã chia san hạnh phúc của mình cho thế giới.

Sẽ không mãi mãi êm ả – thách đổ luôn kề bên.

Hạnh phúc và bình an không phải lúc nào cũng trải dài trong cuộc sống. Bên cạnh lúc vui, hân hoan cũng sẽ có những khó khăn, thử thách và chông gai. Lướt nhanh qua cuộc đời Mẹ, khi mang thai, sinh con, mang con trốn chạy nơi xứ lạ quê người, là một người tha hương trên đất khách chắc chắn có rất nhiều khó khăn và vất vả. Rồi trở về quê hương nhưng lại không được trở về nơi mình sinh ra, lại phải trốn chạy, cuộc sống của một người nghèo luôn mang trên vai bao lo toan, gánh nặng và Mẹ cũng không hề ngoại lệ. Thế nhưng, cho dù có khó khăn, có vất vả, nghịch cảnh có trớ trêu ra sao đi nữa. Mẹ vẫn bước theo con đường đã chọn, quan trọng hơn là: Mẹ đã suy ngẫm – bằng hành động này Mẹ đi tìm thánh ý trong mọi hoàn cảnh và để chiêm ngắm những điều tuyệt vời Chúa làm. Nhờ gẫm suy, Mẹ đã chất chứa trong lòng một kho tàng rộng lớn những kinh nghiệm thiêng liêng, những bài học sâu sắc có thể giúp Mẹ có thêm tình yêu Chúa và sức mạnh để đối đầu với tất cả những trái ngang của kiếp người.

Bước theo là chấp nhận tất cả.

Đỉnh điểm của cuộc đời là sự chia ly, thế nhưng, nó còn đau hơn nữa khi một người mẹ phải chứng kiến cảnh con mình bị hành hình. Với “tre già tiễn măng non” hay “người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh,” quả thực, chính trên đỉnh đồi đau thương ấy mà tiếng “xin vâng” thuở nào lại trở nên trong vắt và sâu đậm hơn lúc nào hết. Hành trình của cuộc đời sẽ không tránh khỏi những khúc khuỷu, quanh co và các ngả rẽ, nhưng điều đòi hỏi nơi người môn đệ là lòng trung thành. 

Nơi đồi vắng, môn đệ đã bỏ hết, ai cũng lo chạy thoát thân, có người còn chối luôn cả thầy. Và cuối cùng, cũng chỉ hình ảnh ấy, người Mẹ can đảm dâng lên đứa con yêu quý nhất của đời mình cho nhân loại. Sự kiên cường ấy có lẽ được vun đắp bằng đức tin, bằng sự suy gẫm và chiêm ngắm mỗi ngày của Mẹ.

Niềm vui được làm con Mẹ.

Sau khi nhìn về mẫu gương tuyệt vời của Mẹ Maria. Nó quay nhìn lại bản thân nó. Lời đầu tiên là lời tạ ơn nó xin dâng lên. Kế đến là niềm hạnh phúc mà nó cảm nhận được. Không ai khác mà chính nó là người tu sĩ của Hội Dòng với tên gọi là con Mẹ. Nó vui lắm vì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh,” dẫu biết rằng đường tu không luôn êm

  • nhưng nó hãnh diện vì được hiện hữu trong cộng đoàn Hội Dòng. Chính khẩu hiệu: Ad Jesum per Mariam – NHỜ MẸ MARIA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU mà nó gẫm suy hằng ngày là kim chỉ nam và cũng là lời nhắn nhủ nó sống sao cho đúng vai trò của người con. Để nó, khi gọi lên hai tiếng “Mẹ ơi” nó không cảm thấy hổ thẹn với lòng.

Hành trình đời tu của nó là chặng đường của mỗi ngày lớn lên. Cũng như Mẹ qua tiếng “xin vâng”, nó cũng chấp nhận theo tiếng Chúa gọi, dấn bước vào giai đoạn mới của cuộc đời, hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Cũng giống Mẹ sống đơn sơ, khiêm nhường, thì giờ đây lời khấn khó nghèo sẽ là phương tiện giúp nó trưởng thành hơn trong đời tu. Chấp nhận chọn lựa cũng đồng nghĩa với trách nhiệm. Lẽ dĩ nhiên, thách đố luôn ở bên, chông gai vẫn diễn ra mỗi ngày.Thế nhưng, chấp nhận đi tu thì cũng không khác Mẹ như đang đi trên một con đường thương khó rất khó thương vậy. Điều quan trọng là một khi chọn lựa bước theo thì nó phải chấp nhận tất cả.

Qua mẫu gương của Mẹ, nó nhận ra đâu là người môn đệ thực thụ. Đó là người đáp lại tiếng gọi, là người dùng nội tâm để tìm thấy thánh ý trong mọi sự và là người cùng đồng hành với Chúa trên mọi nẻo đường. Đọng lại trong mọi sự là một tình yêu thiêng liêng và hạnh phúc. Lạy Mẹ Maria, mẫu gương của đời con, xin cho con mỗi ngày chiêm ngắm Mẹ, học hỏi nhân đức từ Mẹ và tập sống theo Mẹ. Để mỗi lần khi có ai hỏi, con tự hào nói lên rằng: CON LÀ CON MẸ và MẸ LÀ MẸ CON.

Sr. Marie Thanh Tâm.