Thượng hội đồng, đánh cược lớn của Đức Phanxicô cho tương lai của Giáo hội

Tin Giáo Hội Tin Tức

Thượng hội đồng, đánh cược lớn của Đức Phanxicô cho tương lai của Giáo hội

Thượng hội đồng, đánh cược lớn của Đức Phanxicô cho tương lai của Giáo hội

Sau hai năm tham khảo ý kiến với người công giáo trên khắp thế giới, sáng thứ tư 4 tháng 10, Đức Phanxicô khai mạc Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội. Dưới mắt ngài, đây là bước quyết định, ngài nhấn mạnh đến tính chất thiêng liêng của tiến trình này.

Đức Phanxicô trong Hội trường Phaolô VI, thứ tư 4 tháng 10. AFP

Trên bục của giảng đường rộng lớn ở trung tâm Vatican, một chiếc đồng hồ nhỏ đã được đặt, kim của nó đã dừng lại. Nhưng lần này, sẽ không có ai làm lên giây chiếc đồng hồ báo thức này trong hội trường Thượng Hội đồng, được xây từ năm 1964, là nơi các giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã quen gặp nhau trong nhiều thập kỷ qua. Thứ tư tuần này, 4 tháng 10, Phiên họp toàn thể sắp khai mạc sẽ không giống bất kỳ phiên họp nào khác. Bắt đầu với địa điểm, Đức Phanxicô quyết định tổ chức Thượng hội đồng về tính đồng nghị trong Hội trường Phaolô VI rộng lớn, thường dành cho các buổi tiếp kiến chung của giáo hoàng.

Thượng hội đồng, hướng dẫn sử dụng và các thách thức

Sự thay đổi này không có gì đáng kể, ngoại trừ đây là cuộc gặp mang tính quyết định cho tương lai của Giáo hội công giáo. Trong gần một tháng, từ ngày 4 đến 29 tháng 10, các hồng y, giám mục, giáo sĩ, giáo dân cùng họp, cùng thảo luận, cùng làm việc quanh những chiếc bàn tròn lớn được sắp xếp trong phòng, luân phiên làm việc theo nhóm và họp toàn thể. Một biến động từ không gian đến hình ảnh giống điều mà ngài đã dự định giới thiệu khi khai mạc Thượng hội đồng này tháng 10 năm 2021.

“Tưởng tượng một tương lai khác cho Giáo hội”

Đằng sau tên “Thượng hội đồng hiệp hành”, làm nhiều người ở Rôma cười là ẩn giấu một cuộc cải cách vĩ đại của triều giáo hoàng, nhằm “hình dung ra một tương lai khác cho Giáo hội”. Trên thực tế, Đức Phanxicô cho rằng, Giáo hội phải điều chỉnh cách công bố thông điệp của mình mà không thay đổi nội dung của nó. Đây cũng là điều ngài giải thích với năm hồng y đã bày tỏ “nghi ngờ” của họ về tiến trình thượng hội đồng. Trong một phản hồi được công bố ngày 2 tháng 10, ngài viết: “Những thay đổi về văn hóa và những thách thức mới của lịch sử không làm thay đổi Mặc khải, nhưng có thể kích thích chúng ta làm tốt hơn những khía cạnh nào đó của sự giàu có tràn trề của nó, vốn luôn mang lại nhiều hơn”.

Vatican trả lời “dubia” của năm hồng y chỉ trích Thượng hội đồng

Kết quả của cuộc tham vấn rộng rãi của giáo dân, được sàng lọc qua các hội đồng lục địa, đã được tổng hợp thành “tài liệu làm việc” với các chủ đề rất ấn tượng, từ các phương pháp ra quyết định trong Giáo hội đến việc đào tạo các linh mục, địa vị dành cho phụ nữ, tiếp nhận người di cư, chăm sóc mục vụ cho người đồng tính, truyền thống văn hóa hoặc biến đổi khí hậu. Rất nhiều chủ đề sẽ được 364 tham dự viên tranh luận, lần đầu tiên có giáo dân, các nữ tu, trong đó có 54 phụ nữ, những người sẽ có quyền bầu cử tương đương với quyền của các giám mục.

Tân hồng y François Bustillo: “Người phương Tây đã đánh mất GPS nội tâm”

 Một Công đồng Vatican III nhưng không nói rõ tên?

Trong nhiều tháng qua, Đức Phanxicô không ngừng nỗ lực: thượng hội đồng này, sẽ nhóm họp lại vào tháng 10 năm 2024, không liên quan gì đến một tiến trình chính trị, nhưng tất cả liên quan đến tiến trình thiêng liêng. Trên chuyến bay từ Mông Cổ về Rôma vào đầu tháng 9, ngài nhấn mạnh: “Trong Thượng hội đồng, không có chỗ cho ý thức hệ, chỉ có chỗ cho đối thoại. Đối đầu với nhau, giữa anh chị em và đối đầu với học thuyết của Giáo hội. Thượng hội đồng không thể bị đồng hóa với một nghị viện.” Vì thế, trước khi bắt đầu làm việc, ngài muốn các “nghị phụ nghị mẫu” đi tĩnh tâm ba ngày ở trung tâm Fraterna Domus, Sacrofano cách Vatican 15 cây số.

Kết thúc ba ngày tĩnh tâm cho các thành viên Thượng hội đồng, linh mục Radcliffe hy vọng một Giáo hội hồi sinh

Liệu tiến trình này, như Đức Phanxicô mong muốn, trên thực tế có phải là một Công đồng Vatican III không nêu tên không? Sáu mươi năm sau ngày “cập nhật” (aggiornamento) của Giáo hội công giáo do Đức Gioan XXIII thực hiện và do Đức Phaolô VI lãnh đạo, một số người ở Rôma đã bị thuyết phục về điều này. Một nguồn tin ở Rôma hy vọng: “Đó là một quá trình có thể thay đổi mọi thứ, giống như một công đồng mới”, họ trích dẫn mối quan hệ giữa giáo sĩ và giáo dân, cũng như cách thức đưa ra các quyết định trong Giáo hội. Những người khác cũng lập luận, ngày nay, không thể tập hợp tất cả các giám mục về Rôma trong vài tháng theo yêu cầu của các quy định của một công đồng: hiện Giáo hội có 5.300 giám mục, gấp đôi con số cách đây sáu mươi năm.

“Phát động một thay đổi văn hóa”

Tuy nhiên, một số người giải thích, nên xem Thượng hội đồng này là hệ quả của Công đồng Vatican II, “sự phát triển của điều mà thần học gia Yves Congar gọi là thần học giáo dân, liên quan đến vai trò của giáo dân trong Giáo hội. Ở đây mục tiêu không phải là tạo ra các văn bản quy chuẩn”, một người gần với ban tổ chức Thượng hội đồng phân tích.

Một khác biệt đáng chú ý, bởi vì văn bản do Thượng hội đồng soạn thảo nói chung là một đề xuất được đưa ra cho giáo hoàng, nhưng không bao giờ có hiệu lực pháp luật. Sau đó ngài có thể lấy lại toàn bộ hoặc một phần dưới hình thức tông huấn. Nhưng lần này sẽ không như vậy, ban thư ký của giám mục đã được thông báo. Cũng xin nhắc lại, nếu một tông huấn được công bố thì cũng chỉ sau Phiên họp toàn thể lần thứ hai, tháng 10 năm 2024.

Thượng hội đồng tạo ra một nỗi sợ hãi khác: con voi sinh con chuột. Hay đúng hơn là Phiên họp toàn thể này chỉ giới hạn ở việc ca ngợi cuộc đối thoại giữa người công giáo về các chủ đề gây chia rẽ, như đạo đức hay vị trí của phụ nữ. Một nhà quan sát tinh tế Giáo triều cho rằng: “Kết quả của Thượng hội đồng này không thể chỉ giới hạn ở một cuộc thảo luận về phương pháp”. Một nguồn tin của Vatican bảo vệ: “Một trong những thách thức không phải là đưa ra các quyết định mà là tạo ra một thay đổi trong văn hóa. Chẳng hạn làm thế nào để có thể thăng tiến giáo dân ở mọi cấp độ? Hoặc làm thế nào để sống đồng nghị, cùng nhau cầu nguyện và thảo luận dù có những khác biệt.”

Các chia rẽ rất mạnh

Trong Giáo triều, có những người tỏ ra hoài nghi hơn nhiều. Một trong những nhân viên làm việc ở dinh tông tòa cho biết: “Tôi rất sợ Thượng hội đồng này. Căng thẳng thật khủng khiếp bên trong phiên họp, giống như chiến tranh trong những ngày đầu tiên. Có một nguy cơ là Giáo hội sẽ trở nên suy yếu khủng khiếp.”

Trên thực tế, những “phân cực” mà Đức Phanxicô lên án thực sự sẽ được thể hiện. Một người có trách nhiệm ở Vatican nói: “Sự chia rẽ, đặc biệt là giữa người Đức, những người muốn thúc đẩy những yêu cầu rất tiến bộ, và những người bảo thủ Mỹ vốn đã rất mạnh mẽ”, những phản đối có thể trở nên trầm trọng hơn do tính chất bí mật của các cuộc tranh luận, nguồn tin này ủng hộ việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông về những quan điểm cực đoan nhất. Ban tổ chức tương đối hóa: “Chúng ta phải tiếp tục tiến về phía trước với những căng thẳng. Nhưng chúng ta phải tránh những căng thẳng gây tổn thương quá nhiều và làm tê liệt, đồng thời khuyến khích những căng thẳng giúp chúng ta cùng nhau tiến về phía trước.”

Đức Thánh Cha Phanxicô, người sẽ trực tiếp tham gia phần lớn công việc, dường như không lo lắng về việc thể hiện những ý tưởng đối lập trong Thượng hội đồng, một số người thân cận với ngài giải thích với báo La Croix. Một trong số họ giải thích: “Về cơ bản, ngài nghĩ rằng có thể làm cho những người có suy nghĩ khác nhau nói chuyện với nhau”. Ngài cũng tin chắc, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người có thể thay đổi quan điểm của mình bằng cách lắng nghe người khác.” Một hồng y thân cận với Đức Phanxicô tóm tắt: “Ngài đang gặp rủi ro lớn với Thượng hội đồng này. Nhưng ngài chấp nhận.”

Phiên họp đầu tiên ngày 4 tháng 10

Chủ đề tuần đầu tiên của các phiên họp là tính đồng nghị, tuần thứ nhì là hiệp thông, tuần thứ ba là khái niệm đồng trách nhiệm với sứ mạng và cuối cùng là về quản trị. Các phiên họp sẽ kết thúc ngày chúa nhật 29 tháng.

Các tham dự viên gồm có bảy người Pháp có thể bỏ phiếu: giám mục  Alexandre Joly (Troyes), giám mục Jean-Marc Eychenne (Grenoble-Vienne), giám mục Matthieu Rougé (Nanterre) và giám mục Benoỵt Bertrand (Mende), hồng y Jean-Marc Aveline, giáo phận Marseille, bà Anne Ferrand, giáo dân thánh hiến, và nữ tu Nathalie Becquart, phó thư ký Thượng Hội đồng.

Marta An Nguyễn dịch