Suy Niệm Thứ Năm Sau Lễ Tro

Suy Niệm

NGÀY 2-03-2017 THỨ NĂM SAU LỄ TRO

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 9: 22-25)
 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

BỎ MÌNH ĐỂ THEO CHÚA

Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Mà chọn thì phải bỏ, bỏ cái kia để được cái này. Mùa Chay là thời gian chúng ta xét mình lại về những lựa chọn của mình.

Thích sướng ngại khổ, tham sống sợ chết là lẽ thường tình của con người. Ai lại chẳng muốn đời mình xuôi chèo mát mái, khỏi phải đương đầu với gian nan trắc trở. Là Kitô hữu, chúng ta cũng không ra ngoài tâm trạng đó. Lắm lúc chúng ta muốn sống đạo một cách khoẻ khoắn, không phải nhọc công gắng sức, không phải hy sinh khổ chế. Chúng ta mong ước quê trời, và cũng mong ước đường về quê trời thật êm ả. Nhưng, Lời Chúa ngày hôm nay đánh thức chúng ta khỏi tâm trạng cầu an đó. Lời đầu tiên mà Chúa Giêsu muốn gởi đến cho mỗi người chúng ta trong mùa Chay năm nay là: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, rồi vác thập giá mà theo”. 

Điều kiện để đi theo Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu rút ra những kết luận còn giá trị cho đến tận cả ngày nay:  “”Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.”  Vào thời ấy, thập giá là án tử hình mà Đế quốc La Mã đã dành cho những phạm nhân cùng đinh.  Vác thập giá và đi theo Chúa Giêsu thì cũng giống như chấp nhận bị thiệt thòi bởi guồng máy bất công đã hợp pháp hóa những bất công.  Nó cũng giống như thoát ly khỏi hệ thống.  Như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho các tín hữu Galát:  “Thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Ga 6:14).  Thập giá không phải là định mệnh, cũng chẳng phải là một nhu cầu cấp bách từ Chúa Cha.  Thập giá là hậu quả của việc tự nguyện dấn thân của Chúa Giêsu để mặc khải Tin Mừng rằng Thiên Chúa là Cha, và do đó, tất cả chúng ta phải được chấp nhận và được đối xử như anh chị em. Bởi vì lời loan báo cách mạng này, mà Người đã bị bức hại và Người đã không lo sợ mà cống hiến mạng sống mình.  Không có một bằng chứng tình yêu nào cao cả hơn là Đấng thí mạng sống mình vì anh em.  

Chúa Giêsu cho biết rõ con đường của Chúa là con đường dẫn tới vinh quang phục sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của thập giá; và ai muốn đi theo Ngài thì cũng phải đi qua con đường thập giá, phải vác thập giá hằng ngày. 

Chúng ta, những người Kitô hữu, đang bước theo Chúa Giêsu, chúng ta không thể đi con đường khác. Từ bỏ mình là từ bỏ những tính mê nết xấu tội lỗi mình. Từ khi nguyên tổ phạm tội, con người luôn hướng về điều xấu, mà Thiên Chúa thì muỗn kéo chúng ta lên để hướng về sự thánh thiện, cho nên cần phải chiến đấu không ngừng để lựa chọn đúng. 

Bỏ mình còn có nghĩa tích cực là quên mình đi vì Chúa và vì anh em. Quên mình vì nghĩ đến kẻ khác, muốn phục vụ kẻ khác; quên mình vì muốn sống tha thứ, nhịn nhục và yêu thương. Con người sinh ra vốn ích kỷ, muốn sống quên mình vì Chúa vì anh em thật là khó, cần phải có ơn Chúa, cần phải biết chạy đến với Chúa; cần phải có một đời sống Phúc âm.

Đồng thời với bỏ mình,  là vác thập giá mình. Nhiều người hiểu thập giá đời mình là những rủi ro, bệnh hoạn, những bất hạnh trong cuộc sống. Nhưng thập giá của mỗi người chúng ta còn là những cuộc chiến chống lại mọi khuynh hướng xấu, tội lỗi trong ta; thập giá của mỗi người còn là những tương quan với những con người bất toàn hằng ngày ta tiếp xúc. 

Thập giá là những bổn phận phải chu toàn hàng ngày : bổn phận của một người cha người me, của vợ của chồng , của con cái, của nghề nghiệp mình…. Như một vận động viên leo núi, để lên cao, người ấy phải tốn nhiều sức lực và mồ hôi, có khi còn kèm thêm máu và nước mắt. Nhưng đổi lại, người ấy được hưởng niềm vui chinh phục đỉnh cao. Nếu ngại khổ ngại khó, người ấy sẽ đứng mãi dưới chân núi mà ôm ấp giấc mộng không thành. Muốn thành công thành đạt phải đổ mồ hôi, phải thức đêm phải cố gắng. Thành công không thể có cho những ai lười biếng, nhút nhát. 

Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ thì nói: “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo.” Phải chăng Chúa muốn con người đau khổ chứ không muốn con người hạnh phúc? Thưa không! Chắc chắn là Ngài muốn cho con người hạnh phúc. Bằng chứng là Ngài đã sai Con Một xuống trần để đem lại hạnh phúc cho con người. Nhưng sở dĩ Thiên Chúa chọn con đường Thập Giá để cứu chuộc con người chẳng những vì tội lỗi con người nặng nề, phải được đền bù cho cân xứng, mà còn vì đó là cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cách mãnh liệt nhất. Và Ngài cũng muốn mời gọi con người bước đi trên con đường đó để đi theo làm môn đệ của Ngài.

Hành trình theo Chúa là một hành trình leo ngược lên con dốc sa ngã mà ngày xưa tổ tông chúng ta đã lao xuống. Đòi chúng ta phải trải qua bao gian lao vất vả, phải nỗ lực không ngừng. Có khi phải chấp nhận tủi nhục, phải gánh chịu thiệt thòi. Thoạt nhìn từ bên ngoài, thập giá mà mỗi người chúng ta đang vác đôi khi nặng nề quá sức mình, và đôi lúc có vẻ phi lý. Thế nhưng, những gian khổ ấy chính là những phương tiện thích hợp giúp chúng ta nên thánh. Chúa không trao cho chúng ta những thập giá vượt quá sức của chúng ta. Khi trao thập giá, Ngài luôn ban cho chúng ta các ơn cần thiết giúp chúng ta vác được nó mà đi theo Ngài. Nếu chúng ta thấy thập giá của mình quá nặng nề, ấy là vì chúng ta chỉ vác nó với sức riêng của mình.

Con đường “từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày” là con đường mà Con Thiên Chúa đã đi qua để cứu chuộc bạn, có lẽ nào bạn muốn đi theo Ngài mà lại không bước đi trên con đường đó? Hôm nay, ta hãy tự hỏi ta đi theo Thầy Giêsu, bạn mong được gì? Được lợi lộc, thú vui, địa vị, danh vọng hay để dấn thân phục vụ như Thầy?

                                                                                                                                                                                             Huệ Minh