SUY NIỆM THỨ SÁU SAU LỄ TRO

Suy Niệm

THỨ SÁU SAU LỄ TRO

“Khi tân lang ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.

Tin Mừng: Mt 9, 14-15

Khi ấy, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Ðức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Ðức Giêsu trả lời: “Khách dự tiệc cưới có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ sao? Nhưng sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay.”

Suy niệm:  Vấn đề chay tịnh mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới là một vấn đề quan trọng trong Kinh Thánh.

Trong Cựu ước chúng ta đã thấy vua David đã ăn chay mặc bao bì và nằm đất khi đứa con bị bệnh nặng, các bà Ruth, Esther đã ăn chay trước khi đem thân ra giải thoát cho dân, vua quan dân chúng của thành Ninivê đã ăn chay nằm đất, rắc tro lên đầu khi nghe lời tiên tri Giona rao giảng. Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 ngày trước khi ra đi rao giảng Tin Mừng, Gioan Tẩy Giả đã ăn chay sống khổ hạnh trong sa mạc; Chúa Giêsu bảo các môn đệ Ngài: Thứ quỉ nầy phải ăn chay cầu nguyện mới trừ được nó. Thánh Phaolô cũng đã ăn chay và cạo trọc đầu. . .

Trong lịch sử Giáo Hội, từ thế kỷ thử 1, các thánh tu rừng đã ăn chay cầu nguyện trong sa mạc hay rừng vắng. Các Dòng tu đều nhấn mạnh đến đời sống khổ chế và chay tịnh. Thánh Phêrô Alcantara ăn chay hãm mình đến nỗi khi ma quỉ nghe đến tên ngài là bỏ chạy.

Các tôn giáo khác cũng coi trọng việc ăn chay; trong đạo Phật, có những người ăn chay trường từ thuở nhỏ. Riêng đối với ngói kitô hữu hôm nay, Giáo Hội chỉ buộc ăn chay hai ngày là ngày Thứ Tư Lễ Tro và ngàyThứ Sáu Tuần Thánh.

Việc ăn chay trong Giáo Hội có hai mục đích: đền tội, hãm dẹp những khuynh hướng xấu của xác thịt và sống bác ái. Một người cứ sống buông thả trong ăn uống, trong mọi đam mê thì làm sao mà làm chủ mình được. Tự chủ là thái độ của người trưởng thành, làm cho cuộc sống có giá trị, giá trị làm người và làm con Chúa  nữa. Ăn chay còn có giá trị xã hội nữa: làm cho cuộc sống xã hội có trật tự khi con người biết sống tự chủ, có giá trị đạo đức: bớt ăn tiêu để giúp đỡ người nghèo.

Ngày nay người ta không đánh tội, phạt xác như xưa nữa, nhưng không vì thế mà việc còn chay và sống khổ chế không cần thiết. Ăn chay là một hình thức từ bỏ mình; ngày nay biết sống quảng đại chia sẻ với người nghèo khổ thiếu thốn còn khó hơn là đánh tội, biết tha thứ nhịn nhục còn khó hơn là bớt ăn bớt uống; biết hy sinh, vui vẻ phục vụ còn khó hơn là mặc áo nhặm…

Tuy vậy việc ăn chay hãm mình cụ thể nhiều khi cũng cần thiết, để nuôi dưỡng ý chí sống tốt lành của chúng ta. Và theo lời Chúa thì ăn chay còn có giá trị xua đuổi ma quỉ hằng đến quấy phá chúng ta.

Mùa chay là mùa kêu gọi mọi kitô hữu mạnh dấn bước vào mùa chay tịnh: sống quyết tâm từ bỏ tội lỗi, chống lại với mọi chước cám dỗ, và hy sinh quảng đại với mọi người trong việc chia sẻ, tha thứ và phục vụ.