SUY NIỆM THỨ BA TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

Suy Niệm

THỨ BA TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.

Tin Mừng: Mc 9, 30-37

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.

Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Suy niệm: Khiêm nhường phục vụ

Chúa Giêsu bồng một em nhỏ ra giữa các môn đệ, để dạy họ một bài học phục vụ trong khiêm nhường (c. 36).

Tất cả chúng ta đều đang sống và đang phục vụ nhau. Các em nhỏ cũng đang lớn lên để đi vào con đường phục vụ cao quí ấy. Cuộc sống chỉ đáng sống khi sống để phục vụ người khác. Chứ sống đơn độc như Mowghi, Gulliver thì quá dễ ợt. Phục vụ là cả một nghệ thuật cao quí khó khăn. Phục vụ là cả một sứ mệnh, một thiên chức cam go mà Thiên Chúa đặt trên vai mỗi người sống ở đời này.

Chữ phục vụ cũng ngang ngửa với chữ làm việc, làm việc cật lực tận tình. Nhưng chữ phục vụ còn nói lên một ý nghĩa thứ hai là làm việc cho người khác, vì người khác. Hãy lấy ví dụ cha mẹ làm việc đổ mồ hôi, sôi nước mắt, phục vụ con cái. Đấy là một sứ mệnh cao cả mà không ai thay thế được, vì đó là định mệnh thiên bẩm, không ơn huệ hay lương bổng gì. Người phục vụ như thế, phải quên mình, phải hy sinh chính mình, đem phúc lợi cho bầy con. Cái tôi của mỗi người phải tiêu tan đi, phải tự hủy đi như một hạt giống mục nát vậy.

Chúng ta biết đó, phục vụ không có nghĩa là đứng chỉ tay năm ngón, phục vụ không có nghĩa là chỉ điều khiển mà phục vụ nói lên việc làm cực nhọc. Trên phạm vi siêu nhiên, Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người phải thật tình phục vụ Ngài, làm vinh danh nước Trời. Chúng ta hãy coi gương Chúa Giêsu từ buổi thiếu thời thơ nhi, Ngài đã quả quyết, Ngài đến trần gian để làm theo thánh ý Thiên Chúa Cha (Lc 2,49 Mt 16,21 Lc 24,26), chính Chúa đã quả quyết: “Ta hành động như Cha ta đã truyền” (Gio 14,30).”Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban sự sống mình” (Mc 10,45). Chúa nói thêm “Ta đã làm gương cho các con… Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Gio 13,15t). “Ta ở giữa các con như kẻ phục vụ” (Lc 22,27). Chúa Kitô đã từng rửa chân cho các môn đệ (Gio 13,1). Và Chúa đã chết đi trong tinh thần phục vụ.

Chúng ta không thể sống Phúc âm hơn Chúa Giêsu nữa đâu. Đồng ý phục vụ là một gánh nặng. Nhưng phục vụ còn phải là một hạnh phúc, một vinh dự nữa. Tuy nhiên, phải phục vụ đúng đối tượng, đúng lúc, đúng nơi. Chúa nói: “Không thể làm tôi hai chủ được. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền bạc được” (Mt 6,24). Đối với Chúa, Chúa đòi hỏi phải phục vụ Ngài bằng tình yêu (Gio 14,30). Thánh Phaolô nói một kiểu tương tự là phục vụ như con cái chứ đừng như nô lệ (Gal 4). Con cái phục vụ một không phải để đòi lương bổng như một người ngoài. Phải coi công việc trao phó là của mình, phải thi hành cho xong. Đến khi nào chúng ta coi việc của Thiên Chúa quan trọng hơn việc của cá nhân mình, thì đấy mới là người phục vụ chân chính. Thánh Phaolô bảo nếu cần “phải phục vụ trong nước mắt, trong thử thách” (Sđcv 20,19).

Người phục vụ phải thật là người phục vụ với tinh thần khiêm nhường mà chính Chúa Giêsu lấy hình ảnh một em bé đối với gia đình, đối với công việc không lấy gì quan trọng. Đa số người ta khi phục vụ thành công đều cho đó là thành qủa của cá nhân mình. Nhưng khi thất bại thì đổ thừa cho người này người khác, và tại hoàn cảnh khó khăn. Người phục vụ thật không được thế, họ phải ngậm bồ hòn mà khen ngọt. Thắng không kiêu, bại không nản. Họ phải học nơi Chúa là Thiên Chúa quyền năng thế mà bằng lòng nhập thể với một thân xác yếu đuối lệ thuộc (Phl 2,6), khiêm nhường và hiền lành trong lòng (Mt 11,29).