NỮ TU THĂM NỮ TÙ.

Tư Liệu

NỮ TU THĂM NỮ TÙ

Alo!!! Phải người Việt Nam không vậy?

Nghe tiếng mẹ đẻ giữa đất khách quê người, nó vừa lia mắt vừa ngóng cổ lên trời tìm kiếm vì rõ ràng âm thanh phát ra từ…trên cao mà. Ngóng một hồi nó cũng phát hiện một bóng người bận áo trắng từ lầu 3 đang vẫy tay chào…Nó cũng vẫy vẫy đáp trả, ai vậy trời? Hổng lẽ …ma?

Để cho chắc ăn, nó nói vọng lên: Dạ, hai lúa Miền Tây, ma-dê in Việt Nam. Rảnh hông xuống dí này chơi !!! Và một lúc sau, cái bóng đó xuất hiện trước mặt nó, dễ thương, gần gủi và thân tình. Biết nữ tu muốn đi thăm nữ tù mà lỡ chuyến xe đò, nên người bạn nhỏ hứa sẽ dẫn nó đi vào Chúa Nhật sau.

Đúng hẹn, nó đến. Em bảo mặt tu phục nhe chị. Chị vâng lời dù giữa tháng tư nắng như đổ lửa, màu đen lại bắt nắng làm chảy chút mỡ quý báu còn sót lại. Kệ, miễn là được đi thăm tù, niềm ưu tư của nó về những người phụ nữ đang trong vòng lao lý. Đến nơi, nó được chào đón như …Đức Cha, và cùng các cô các chị dự lễ Chúa Nhật thật sốt sắng. Các cô hôm nay mặc áo thun đồng phục màu xanh, nhìn cứ y như thuộc các hội đoàn trong giáo cứ. Cha chủ tế hài hước giới thiệu nó cách long trọng, nói với nó nếu lần đầu đến đây thì phải hôn bức tường nhà tù một cái như Giám Mục hôn đất khi nhận giáo phận vậy. Nó tưởng thiệt đứng dậy định nhào qua ôm tường hôn một cái cho “hội nhập văn hóa” nhưng Cha và các cô cười lên làm nó biết mình bị ngố. Cha nói đợi cuối lễ cha phỏng vấn thêm vì sao thích đi thăm tù. Mà Cha hỏi thiệt. Nó cũng không biết nữa, có lẽ…chữ TÙ LIỀN VỚI CHỮ TU MỘT VẦN, nên nó muốn gắn bó.

Nó thấy Chúa và chính mình nơi những tù nhân. Thấy Chúa thương họ như thương nó. Thấy hình ảnh mình nơi cuộc sống của họ, không phải trong điều kiện mất tự do cho bằng đang được “correct” lại, thuật ngữ được sử dụng nơi đây (họ không ghi là nhà Tù, trại giam nhưng là nơi để “điều chỉnh” , sửa lại cho đúng…y như ý nghĩa đơn thuần của ĐI TU vậy: tu là sửa lại cho đúng, hư hao ít thì tiểu tu, hư hao nhiều thì trùng tu…) và việc tu sửa này cần nhiều thời gian, sự kiên trì và hy vọng.

Ngồi hỏi thăm Ate Nimfa (“ate” tiếng Phi có nghĩa là chị), cô khoảng tầm 50 tuổi, ở đây cũng 24 năm rồi, nó không tiện hỏi cô đã làm gì sai trong quá khứ nhưng khi được chuyển qua khu vực Medium này ( khoảng hơn 200 người, trong khi Maximum area có hơn 4000 nữ tù), cô chia sẻ niềm vui rằng mình sẽ sớm được về với gia đình, hy vọng về tương lai….Nó nhìn nụ cười của cô, cảm nhận cái nắm tay siết chặt ấy khi cô nói cảm ơn nó đã quan tâm đến những con người như cô, để cô thấy mình không cô đơn hay bị bỏ rơi và có động lực để phấn đấu…Nó nhớ trong lúc giảng, Cha hỏi nó có hiểu không vì Cha không dùng Tiếng Anh, nó chưa kịp trả lời thì Cha nói Cha đang sử dụng “ngôn ngữ của yêu thương” nên chắc nó sẽ hiểu. Nó gật đầu vì …có cô ngồi cạnh bên dịch sang tiếng anh cho: Dụ ngôn người phụ nữ bị ném đá và tình thương của Chúa Giê-Su: khoan dung, tha thứ nhưng luôn đi kèm lời mời gọi hãy điều chỉnh lại cuộc sống: “Tôi không kết án chị, chị đi bình an và đừng phạm tội nữa.”

Rời nơi ấy, nó theo chân Cha và em về lại nơi xuất phát, thầm cám ơn cuộc đời vẫn còn những khoan dung để những lỗi lầm có cơ hội được điều chỉnh lại và trở về với hình ảnh được tạo dựng thuở ban đầu.

Vậy đó, một ngày trôi qua của một nữ tu và những nữ tù…

(Trích trong “Nhật Ký Cá Rô Đồng”, tập 18)

Quỳnh Thoại