CHÚA THÁNH THẦN KHI CẦU NGUYỆN VỚI KINH THÁNH
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (17.01.2023) – Cầu nguyện nói chung, với Kinh Thánh nói riêng, vai trò của Chúa Thánh Thần luôn quan trọng nhất. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện được với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Là thụ tạo nhiều giới hạn, chúng ta may mắn được gặp gỡ Đấng Vô Hạn và hoàn hảo. Lần gặp gỡ này được Chúa Thánh Thần nối kết và nâng chúng ta đến với Thiên Chúa. Do đó, bài viết dưới đây chúng ta ý thức vài vai trò của Chúa Thánh Thần trong lúc chúng ta cầu nguyện với bản văn Kinh Thánh.
- Chúa Thánh Thần cho chúng ta ơn khôn ngoan
Ơn này không chỉ giúp chúng ta biết đúng sai, phải trái, nhưng còn nhận ra cầu nguyện là cần thiết cho đời sống thiêng liêng. Con người cần chúc tụng và lắng nghe Lời Chúa, bởi “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 13,1-23). Để có được ý thức khôn ngoan này, Giáo hội tin rằng Chúa Thánh Thần hằng thôi thúc mỗi người cần chạy đến với Chúa để được sống dồi dào. (Ga 10,1-10).
Trong lúc đọc Kinh Thánh, Đấng vô cùng khôn ngoan sẽ rót vào tâm trí mỗi người sự khôn ngoan của Ngài. Nhờ ơn này, người cầu nguyện bước vào giờ cầu nguyện với tâm hồn vô vị lợi. Nghĩa là chúng ta cầu nguyện với lòng khiêm nhường, sẵn sàng đón nhận những món quà Chúa sẽ ban, nhờ cầu nguyện. Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm việc trong tiến trình này.
- Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết
Cụ thể ở đây, chúng ta chỉ có thể hiểu biết Kinh Thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chẳng phải có lần Đức Giêsu đã nói rất rõ cho từng người chúng ta: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14,25-26). Như vậy, trong lúc chúng ta đọc, suy niệm và cầu nguyện với Thánh Kinh, Chúa Thánh Thần tác động lên tâm hồn, trí khôn để ta có thể hiểu được ý nghĩa của Lời. Hơn nữa, Giáo hội còn cho thấy chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu về những Giáo huấn của Giáo hội, những mầu nhiệm cao siêu vốn được lấy ra từ suối nguồn Kinh Thánh.
Thật tốt để chúng ta thỉnh thoảng ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Nhớ là với ý hướng tốt lành, bởi: “Sự khôn ngoan không thể len lỏi vào đầu óc của kẻ thiếu ý hướng ngay lành.” (Ngạn ngữ Latin). Cứ xin với Ngài ơn hiểu biết này. Nhất là những chỗ khó hiểu trong Kinh Thánh, cứ kiên nhẫn và lắng nghe tiếng của Chúa Thánh Thần.
- Chúa Thánh Thần an ủi trong lúc chúng ta cầu nguyện
Kinh nghiệm của Giáo hội cho thấy Chúa Thánh Thần có biệt tài về an ủi người ta. Nhất là lúc gặp sầu khổ, chính Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong ta, hoặc trong người khác, để họ đến giúp chúng ta. Cụ thể lúc gặp khó khăn trong cầu nguyện với Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần biết cách hướng dẫn chúng ta cầu nguyện tốt hơn. Quan trọng là chúng ta có biết cộng tác với Ngài hay không mà thôi! Chẳng hạn gặp khó khăn vì chúng ta chưa chuẩn bị tốt cho giờ cầu nguyện, Chúa Thánh Thần thôi thúc để chúng ta hoàn thiện bước này tốt hơn. Từ đó, ơn an ủi sẽ đến và nhất là Chúa Thánh Thần không bao giờ bỏ chúng ta. Trong ý hướng này, chúng ta: “Hãy nếm thử và hãy nhìn coi, Chúa thiện hảo dường bao.” (Tv 33,9).
- Sức mạnh của ta ở nơi Đức Chúa
Chúng ta sống nhờ không khí hoặc sinh khí. Nếu Chúa Thánh Thần được ví như luồng không khí (Hy Lạp: ruah, Hy Lạp: pneuma, La Tinh: spiritus)[1] thì sức sống của chúng ta phụ thuộc nơi Ngài. Nói đúng hơn, truyền thống Kinh Thánh luôn xác tín rằng: “Thiên Chúa luôn ban sức mạnh cho mỗi người.” (Pl 4,13; Is 40,29; 2 Tx 1,9; Tv 89,13, v.v.). Vô số câu trong Thánh Kinh cho thấy chúng ta cần đến sức mạnh của Thiên Chúa.
Nhất là trong cầu nguyện, kinh nghiệm cho thấy Ma Quỷ thường quấy phá chúng ta. Chúng không thích chúng ta cầu nguyện, không muốn chúng ta suy niệm Kinh Thánh. Ngược lại, bằng nhiều cách thế khác nhau, Ma Quỷ làm suy yếu những nỗ lực cầu nguyện của chúng ta. Trong khi đó, Chúa Thánh Thần ra sức ban ơn, khuyến khích và kéo chúng ta về bên Thiên Chúa. Sự giằng co này đôi khi khiến chúng ta mệt mỏi. Truyền thống tu đức gọi tình trạng này là cuộc chiến đấu thiêng liêng[2]. Chúng ta chỉ chiến thắng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
- Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra thánh ý Chúa
Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa. Trong lần gặp gỡ này, ngoài việc tôn thờ và chúc tụng, chúng ta cũng cần nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Kinh Thánh là nguồn rất dễ để chúng ta nhận ta ý Chúa. Từng lời, từng câu chuyện có thể chuyển tải cho chúng ta ý định của Ngài. Như vậy, Chúa Thánh Thần vốn là Đấng Thượng trí vô song, trao cho chúng ta ơn thông minh, giúp trí khôn chúng ta hiểu được nội dung của Tin Mừng. Nếu không, con người không tài nào vươn lên được với Thiên Chúa (x. 1Cor 2,7; Rm 11,33; Col 2,3). Từ sự hiểu biết trên đầu óc, Ngài tiếp tục thôi thúc con tim chúng ta mở ra để ôm lấy thánh ý của Ngài. Cũng vậy, con tim cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, trí óc cho chúng ta sự hợp lý, giác ngộ, hoặc nhận ra Thiên Chúa đang muốn nói với chúng ta điều gì.
Do đó, truyền thống tu đức khuyến khích chúng ta cầu nguyện với cả con người. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần hoạt động trong trọn vẹn con người của ta. Càng sử dụng những tài năng Chúa ban, chúng ta càng thấy Thiên Chúa, càng nhận ra sứ điệp Tin Mừng. Chỉ khi nhận ra, chúng ta mới hy vọng sống đúng với thánh ý của Thiên Chúa.
- Kinh Thánh giúp chúng ta mến Chúa, yêu người
Khi sống đúng thánh ý Chúa, nghĩa là chúng ta đang sống tốt mỗi ngày. Càng có đời sống nội tâm, thiêng liêng tốt, chúng ta càng dễ thương và sống đạo đức hơn. Theo nghĩa này, Kinh Thánh sẽ là kim chỉ nam, là ngọn đèn, là ánh sáng chỉ đường (Tv 119,105) chúng ta hướng về Chân Thiện Mỹ. Chính Chúa Thánh Thần sẽ cầm ngọn đèn này đưa cho chúng ta mỗi khi chúng ta cầu nguyện. Hoặc nói đúng hơn, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa, hun đúc trong ta ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa, quý trọng Lời của Ngài. Chỉ trong đức tin và lòng yêu mến này, chúng ta mới có thể cầu nguyện với Kinh Thánh một cách sốt sáng được. Nếu vắng đi lòng mến, chúng ta chỉ đọc Kinh Thánh đơn thuần như đọc một tác phẩm văn chương. Nếu không có niềm tin, Kinh Thánh sẽ không tác động đến con tim của ta được. Và nếu không có hy vọng, Kinh Thánh sẽ là bản văn khô khan và bạn chẳng ước mong, hay khao khát suy niệm.
Là con Chúa, mỗi người được mời gọi sống chan hòa với anh em đồng loại. Trong tương quan này, Chúa Thánh Thần sẽ có cách để nối kết từng người. Nhất là trong khi suy niệm Thánh Kinh, Đấng Bảo Trợ sẽ giúp bạn học được những hướng dẫn làm con Chúa và làm người tốt. Sẽ là khập khiễng nếu bạn đọc Kinh Thánh tốt, nhưng không sống tốt! Hoa trái của cầu nguyện với Kinh Thánh cần được chuyển vào đôi tay để chúng ta vươn đến với anh chị em của mình, nhờ Chúa Thánh Thần.
- Kính sợ Thiên Chúa khi ta đọc Thánh Kinh
Kinh Thánh là những lời yêu thương Thiên Chúa dành cho con người. Yêu thương ngay cả khi Thiên Chúa dạy ta bằng những bài học khó khăn. Càng được tôi luyện trong tình yêu, chúng ta càng hiểu thế nào là kính sợ Thiên Chúa. Hẳn nhiên Thiên Chúa không phải là “ông kẹ hay ngáo ộp” để chúng ta xa lánh hoặc sợ hãi. “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.” (Tv 111,10). Kính sợ theo nghĩa thường là nể trọng và khâm phục một ai đó trên mình. Ngôn ngữ tu đức hiểu “ơn kính sợ Thiên Chúa làm cho các tín hữu gạt bỏ mọi trở ngại, xa ghét tội lỗi, hết sức chống trả cám dỗ, để yêu mến Thiên Chúa hết lòng.”[3]
Như vậy, với ơn này của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa một cách tinh tế hơn. Nhất là với những Lời của Ngài đang nói trong Kinh Thánh, chúng ta đón nhận với niềm vui và tình yêu. Đằng sau những động lực này là hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Tạm kết
Nhiều quý bạn đọc nhận ra trên đây là bảy ơn Chúa Thánh Thần. Chúc mừng vì bạn đã đoán đúng ý tác giả! (cười…). Khi nhìn ngắm những món quà của Chúa Thánh Thần trong khi cầu nguyện với Thánh Kinh, chúng ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần là quá quan trọng. Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không biết cầu nguyện làm sao. Các nhà tu đức đều đồng ý điểm này. Do đó, một trong những bước đầu tiên của cầu nguyện là xin ơn Chúa Thánh Thần. Với Ngài, chúng ta bước vào giờ cầu nguyện, giờ suy niệm Tin Mừng với nhiều hoa trái.
Ước sao khi mở cuốn Kinh Thánh ra để cầu nguyện, chúng ta dành chút giờ để trò chuyện với Chúa Thánh Thần. Cứ xin Ngài ngự đến, cứ để Ngài cầm tay dẫn bạn lang thang trong câu chuyện Tin Mừng. Khi đó, bạn sẽ hiểu thế nào là cầu nguyện với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.