THỨ NĂM TUẦN 4 PHỤC SINH

Suy Niệm

THỨ NĂM TUẦN 4 PHỤC SINH

Tin Mừng: Ga 13, 16-20

Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu nói với các ông: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Suy niệm: Lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm

Bài Phúc âm hôm nay nói đến việc Chúa chọn ông Giuda, nhưng ông đã quay lưng phản bội. Tại sao lại đặt đoạn Tin Mừng này vào giữa mùa phục sinh như vậy ? Hẳn là có những lý do:

1. Dù ông Giuda có phản bội đi nữa thì chương trình cứu độ của Thiên Chúa vẫn cứ thành tựu. Giuda không thể làm hư hỏng chương trình của Thiên Chúa, người hư hỏng là chính ông mà thôi. Giuda đã vì tiền mà phản bội và đi tự vẫn. Còn Chúa, Ngài đã chịu đựng, đã phục sinh và về trời, cho thấy đường lối của Thiên Chúa cao vời biết bao nhiêu (Is 55,8).

2. Dù Giuda hư hỏng nhưng vẫn còn khối đông các tông đồ cũng do chính Chúa chọn. Hình như Chúa cho thấy lựa chọn bao giờ cũng là đau xót mất mát. Chính tay Chúa đã chọn Giuda. Marcô còn ghi rõ “Thiên Chúa chọn kẻ Ngài muốn” (3,130. Đó là ơn lộc to lớn. Được Chúa chọn, nhưng ông đã lợi dụng để không chọn Chúa, lại còn phản Thầy hại bạn. điều này cho thấy rằng một ơn huệ cho đường lớn lao gấp mấy mà người nhận không muốn thì cũng không làm gì được. Hơn nữa, Thiên Chúa tôn trọng tự do tối đa của mỗi người nơi cuộc sống của họ.

3. Ngoài ra đó cũng là bài học dạy cho các tông đồ lúc ấy biết rằng đời truyền giáo của họ gặp nhiều thử thách và thất bại. Nhưng giữa mọi nghịch cảnh họ nhớ rằng có một Thiên Chúa đã chọn họ, đã yêu thương họ và quan phòng cho họ, vì chính Ngài cử họ ra đi (Mt 28,18). Ra đi để gieo hạt giống cũng có, để gặt cũng có. Kẻ gieo người gặt tùy việc Chúa muốn. Nhưng gieo giống thì nhớ rằng có sự hao hụt thất bại, hạt ra vệ đường, hạt bị chim chuột ăn đi, có hạt rơi vào đất tốt…

Trường hợp Giuda là sự mất mát kiểu mẫu. Người ta tự hỏi rằng tại sao Chúa Giêsu là Đấng thông biết mọi sự. Đấng biết cả Thiên Chúa Cha, và cõi lòng kín đáo của mỗi người (Mt 6,6), mà lại chọn phải Giuda. Như vậy có phải là Chúa lầm không ? Chúa không lầm. Đó là chương trình của Thiên Chúa. Ngài muốn để lại cho chúng ta một bài học cụ thể trong cuộc sống: lạm dụng sự tự do Chúa ban là một án phạt. Ngoài ra việc Chúa chọn ông là để lời Kiùnh thánh được ứng nghiệm (Tv 40,10).

Thật ra, hình ảnh phản bội đã có trong sách (2Sm 16,21) nói tới trường hợp vua David bị địch quân bao vây. Vua bị một tứơng thân thiết nhất là Achiophel phản bội, âm mưu giết vua, nhưng thất bại, Anchitophel cỡi ngựa đi tự tử. Đây là trường hợp duy nhất của Cựu Ước nói đến tự tử. Hình ảnh của Anchitophel cũng là hình ảnh của Giuda sau này.

Vậy nếu chúng ta đặt lại vấn nạn rằng tại sao công việc cứu thế của Chúa Giêsu lại lệ thuộc vào việc phản bội của Giuda ? Nếu như Giuda và dân Do thái không phản bội thì có làm hư hỏng chương trình của Chúa không ? Nếu Giuda không phản bội ! Chúng ta không thể đặt chữ NẾU với Thiên Chúa vì Ngài không lệ thuộc vào chữ nếu như chúng ta đâu.

Vậy nói về Giuda cần phải nói ngay rằng sự phản bội của Giuda không cần thiết chút nào cho công cuộc cứu thế. Nếu như Giuda không phản bội thì Chúa bớt bị xúc phạm cách nào đó thôi. Nhưng không vì thế mà bỏ cứu chuộc nhân loại. Thiên Chúa đã hoạch định chương trình cứu rỗi của Ngài từ muôn thuở, từ khi chưa có đất trời. Thật ra tội lỗi của Giuda cũng là tội lỗi của chúng ta kéo dài qua lịch sử, dù hình thức tội đó có khác nhưng hậu quả tội cũng như nhau.

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến chết, thì xin Chúa cho đời người được qua đi trong tình yêu chung thủy ấy.