THỨ BA TUẦN 1 MÙA CHAY
Tin Mừng: Mt 6, 7-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.
Suy niệm: Tha thứ
Nghe bài Tin Mừng hôm nay, ai trong chúng ta cũng hiểu rõ, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ cũng như dạy cho chúng ta hôm nay Kinh Lay Cha và nhấn mạnh đến vấn đề tha thứ.
Nhưng khi vừa đọc bài Tin Mừng này xong, tự nhiên một câu hỏi đến với tôi ngay: Tại sao Chúa lại nhấn mạnh đến vấn đề tha thứ như thế ? Những vấn đề khác trong Kinh Lạy Cha, như Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến…, không quan trọng hơn hay sao ? Phải chăng vấn đề tha thứ, lúc bấy giờ là một vấn đề rất thời sự chăng ?
Thật vậy, xã hội Do thái lúc bấy giờ là một xã hội vị luật; người ta thường định giá đời sống đạo đức trên vấn đề có giữ đúng luật hay không ? Với hơn 360 khoản luật, chi phối cuộc sống đến trong từng chi tiết nhỏ. Và người ta nhân danh luật lệ mà lên án kẻ khác cách dễ dàng. Chúng ta có rất nhiều ví dụ trong Tân Ước: ngắt bông lúa ăn ngày Sabbat là không đạo đức, không rửa tay trước khi dùng bữa là không đạo đức, người mù từ thuở mới sinh bị coi là tội lỗi vì không biết luật…
Sống tinh thần vị luật như thế, Biệt phái và Pharisiêu luôn săn sàng lên án kẻ khác; trong lúc đó thì Chúa Giêsu đến để cứu chứ không phải để lên án: “Tôi đến không phải để lên án, nhưng để cứu thế gian”. Trước người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người Do thái lôi chị đến trước mặt Chúa để chờ Ngài lên án, nhưng Chúa thinh lặng, một sự thinh lặng thông cảm, và cuối cùng Chúa nói với chị lời tha thứ: “Chị hãy về bình an nhưng đừng phạm tội nữa”.
Cựu ước là một bi kịch giữa sự phản bội của con người và lòng tha thứ không mỏi mệt của Thiên Chúa. Do thái đã lập giao ước với Chúa, hứa giữ lòng trung thành với Chúa; nhưng rồi họ đã bỏ Chúa, phản bội Chúa không biết bao nhiêu lần, nhưng Chúa luôn tha thứ .
Ngày nay, con người cũng đang lặp lại bi kịch đó trên bình diện cộng đồng hay cá nhân. Đức Giáo Hoàng đã phải nhân danh Giáo Hội, chính thức xin lỗi nhiều lần về những thiếu sót, lầm lỗi và cả những tội lỗi của con cái Giáo Hội. Bí tích hòa giải nói lên rằng chúng ta luôn cần được thứ tha .
Trên bình diện xã hội, chúng ta đang chứng kiến những cảnh chiến tranh đẫm máu, chiến tranh sắc tộc, tôn giáo …, cũng vì con người không biết thông cảm và tha thứ cho nhau.
Biết bao gia đình mất hạnh phúc hay tan nát cũng vì vợ chồng không biết tha thứ cho nhau. Biết bao cộng đoàn tu trì lủng củng, cũng vì người ta không biết thông cảm và tha thứ cho nhau.
Tha thứ, ngày xưa cũng như hôm nay, luôn luôn là một vấn đề thời sự nóng bỏng trong gia đình cũng như trong xã hội. Người kitô hữu chúng ta đọc kinh lạy Cha hoài, muốn Cha ban cho lương thực hằng ngày mà lại không muốn tha thứ cho nhau .
Có lẽ cũng vì biết con người khó tha thứ cho nhau, nên trong Phúc âm, Chúa Giêsu phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần :
– Trong dụ ngôn người mắc nợ không được tha vì anh không biết tha cho người bạn mắc nợ mình;
– Chúa nhắc nhở Phêrô phải tha đến 70 lần 7;
– Trong kinh Lạy Cha hôm nay, Chúa nhấn mạnh đến sự tha thứ.
Suy gẫm Bài Tin Mừng hôm nay, tôi phải nhìn lại chính mình, cách tôi sống với những người chung quanh tôi, nhất là thái độ của tôi trước những người mà tự nhiên tôi không ưa không thích, những người hay xúc phạm đến tôi. Tha thứ khi ấy là thước đo tinh thần Phúc âm trong cuộc sống của tôi .