LÀ CHIÊN, HAY DÊ?

Suy Niệm

CHIÊN, HAY DÊ?

(Mt 25, 31-46)

 

Quê tôi sông nước miền Tây, nên ký ức về những triền đồi cỏ mọc xanh rì với từng đàn chiên hiền lành gặm cỏ chỉ là trong câu chuyện văn học, hay những thước phim thời sự chiếu trên ti vi. Tuổi thơ tôi chưa thấy con chiên bao giờ. Bù lại, tôi rất quen thuộc với con sông xuôi về bảy ngã, những cánh đồng trơ gốc rạ với từng đàn vịt chạy đồng. Xa xa, từng đàn trâu, bò đang gặm cỏ. Tiếng nói cười của đám con nít vừa chăn trâu vừa thả diều thật trong trẻo.

Còn dê thì cũng khá thân quen với tôi. Hình ảnh những chú dê đã trở nên gắn bó với những trò chơi dân gian với những câu ca dao tục ngữ, bài hát đồng dao… Tôi vẫn còn thuộc làu làu bài đồng dao “dung dăng dung dẻ” với những ca từ vui nhộn, hồn nhiên. Hát bài đó xong, chúng tôi lại tiếp tục chơi trò “bịt mắt bắt dê”. Con dê trong ký ức của tôi thật dễ thương và đáng yêu. Nhiều lúc, đám con nít chúng tôi còn giả giọng dê nữa: beeee, beeeee…vang dậy khắp sân nhà.

Tuy nhiên, tôi không chỉ lớn lên và thừa hưởng những nét văn hóa Việt, tôi còn được thắm nhuần văn hóa Thánh Kinh, nơi mỗi cái tên, mỗi sự vật, sự việc đều mang những thông điệp và ý nghĩa riêng của nó. Cụ thể như trong Thánh Kinh, đa số các loài vật đều có những biểu tượng và những ý nghĩa khác nhau. Chiên và dê cũng không ngoại lệ. Trong dụ ngôn Ngày Cánh Chung (Matthew 25:31 – 46), tôi cũng thắc mắc như bạn: Tại sao chiên được chọn để đại diện cho người tốt, và biểu tượng dê trong văn hóa Thánh Kinh lại xấu đến như vậy?

Biểu tượng con chiên trong Thánh Kinh

Chiên là một loài vật không thể thiếu trong những câu chuyện của Chúa.

  • Chiên: biểu tượng của lễ tế cho Thiên Chúa

Từ những chương đầu tiên của sách Sáng Thế, hình ảnh về con chiên đã xuất hiện như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Trong câu chuyện Cain và Aben có dáng vóc chú chiên đầu lòng béo mỡ (Sáng thế 4:1-14), hay chú chiên đực mắc sừng trong bụi cây được tổ phụ Abraham bắt làm của lễ cho Thiên Chúa, thay cho con một là Isaac (St 22: 1-18). Sang sách Xuất Hành, mỗi gia đình Do Thái trong đêm rời khỏi đất Ai Cập đều bắt chiên làm lễ sát tế vượt qua. Chính nhờ máu chiên được bôi trên các cửa mà người Do Thái thoát khỏi sự đánh phạt của Thần Tru Diệt (Xh 12, 1- 8. 11- 14).

  • Đàn Chiên: biểu tượng của dân Thiên Chúa

Tác giả sách Thánh Vịnh đã dùng nhiều lần hình ảnh vị mục tử và đàn chiên để nói lên tương quan giữa dân Israel và Thiên Chúa, chẳng hạn như: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi (TV22), và “chúng tôi là dân Ngài, là đoàn chiên Ngài dẫn dắt, chúng tôi thuộc về Ngài.(Tv.79,13;100,3). Chính Chúa Giê su trong thời Tân Ước cũng đã ví đam đông dân chúng đi theo Ngài như “đàn chiên không người chăn dắt và Ngài đã dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc.6:34).

  • Chiên là đại diện cho những người biết lắng nghe tiếng Chúa.

Vì bản chất tự nhiên của chiên rất ngô nghê, khờ dại và không tự bảo vệ mình trước những sự dữ và hiểm nguy luôn rình gập, nên chúng phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc và hướng dẫn của vị chủ chăn. Tuy vậy, mặt mạnh của chiên là nhạy bén và có trực giác nhận ra tiếng của người mục tử chăn dắt chúng, nhờ đó, chúng được chăm sóc và hướng dẫn kịp thời thoát khỏi những rủi ro trong cuộc sống. Con người chúng ta có khác gì chiên trong tay Chúa? Chúng ta yếu đuối, dễ sa ngã, và tự sức mình chúng ta không sao thoát được những cảm bẫy của sự dữ và tội lỗi. Do đó, chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa và đi theo sự hướng dẫn của Người mỗi ngày. Sự hướng dẫn  đó là gì? Thưa là sống đức bác ái với anh chị em mình: cho kẻ đói ăn; cho người khát uống; tiếp rước khách lạ; cho kẻ rách rưới ăn mặc; thăm viếng kẻ đau yếu; và hỏi han kẻ tù tội.” (Mt.25:35). Và khi chúng ta làm như vậy, Chúa sẽ cho chúng ta đứng bên phải Người, nơi Vương Quốc dọn sẵn cho cho chúng ta ngay từ thuở tạo thiên lập địa, và nơi đó, chúng ta được hưởng sự sống đời đời.

Biểu tượng dê trong Thánh Kinh

Dê chính là vật cưng của quỷ Satan![1] Chúng còn là biểu trưng của sự lười biếng. Hơn thế, dê còn nổi tiếng là “độc lập, cố chấp và tò mò – hoặc thô tục, nguy hiểm và phá hoại tồi tệ nhất”[2]. Đó là lời giải thích của Heather D. trong một bài viết có tựa đề: “Sự khác biệt giữa chiên và dê là gì?” Không những vậy, tác giả bài viết này còn chỉ ra sự khác biệt về tính cách giữa chiên và dê như sau: nếu chiên hiền lành, biết nhường nhịn, và đặc biệt là nhận biết tiếng và làm theo sự hướng dẫn của chủ chăn chúng bao nhiêu, thì dê lại bất chấp, ý chí tự lập hoặc không phụ thuộc vào bất kỳ ai . Và đó chính là hình ảnh đàn dê được tách khỏi chiên trong dụ ngôn về Ngày Cánh Chung. Chúng đại diện cho những người đã thờ ơ trước những lời giáo huấn của Chúa, sống không cần ai, không nghe ai như bản chất loài dê vốn dĩ thích tự do theo ý riêng mình.  Cụ thể, những người này đã không thực thi bác ái với anh chị em mình, và điều này cũng đồng nghĩa là họ đã không làm cho Chúa. Họ đã không thấy Chúa nơi những anh chị em đang đói, khát, bệnh tật, tù tội cần được giúp đỡ và thăm viếng, ủi an. Và vì thế, họ sẽ phải chịu cực hình muôn kiếp vì đã không để Chúa dẫn dắt cuộc đời mình trong tương quan với Người và với anh chị em mình: một đàn chiên và một vị chủ chiên tốt lành!

Chiên Ta thì nghe tiếng Ta

Bạn thân mến!

Với những chia sẻ rất nhỏ bé trên, tôi được đánh động bởi câu hỏi của những “con chiên” là những người công chính được đứng bên phải trong dụ ngôn Ngày Cánh Chung, đó là: Có bao giờ chúng con thấy…? Đúng, chúng ta nhiều khi dễ lầm lẫn giữa chiên và dê vì ngoại hình chúng cũng khá giống nhau. Còn giữa những người được chúng ta đánh giá là tốt, hay xấu chung quanh mình, thì lại càng khó nhận biết hơn nữa. Tuy nhiên, đối với Chúa, điều này quá dễ dàng, giống như mục tử có khả năng phân biệt đâu là chiên thuộc về mình, và đâu là dê vậy! Không chỉ vậy, Chúa còn nhìn thấu lòng mỗi người chúng ta, Người biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết về chính mình. Vậy nên, hãy sống theo sự hướng dẫn của Người. Hãy chú ý để nghe và nhận biết tiếng của Người giữa muôn vàn tiếng mời gọi khác. Hãy làm cho lời Chúa trở nên thân thuộc và trở thành cách phản ứng của chúng ta hằng ngày! Cầu chúc bạn luôn là những con chiên biết nghe tiếng Chúa, và là những con chiên đứng bên phải vì đã thực thi lời Chúa dạy, đó là sống bác ái với anh chị em mình!

Quỳnh Thoại

[1]  Wikiwand, Động Vật Trong Kinh Thánh, https://www.wikiwand.com/vi/%C4%90%E1%BB%99ng_v%E1%BA%ADt_trong_Kinh_Th%C3%A1nh

[2] Heather D, What Is the Difference Between Sheep and Goats? https://www.ucg.org/beyond-today/blogs/what-is-the-difference-between-sheep-and-goats.