Lễ Phục sinh cho chúng ta thấy “Đặc ân được làm phụ nữ”

Tư Liệu
Lễ Phục sinh cho chúng ta thấy
“Đặc ân được làm phụ nữ”
Tác giả: Theresa Civantos Barber
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng

Những người phụ nữ đầy hưng phấn này đã thể hiện sự gần gũi phi thường của họ với Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn của Người, và như triết gia Alice von Hildebrand ghi chú đó là “đặc ân được làm phụ nữ”.

Câu chuyện về lễ Phục sinh đầu tiên có thể trở nên quen thuộc đến nỗi nó không còn mang lại cảm giác sợ hãi, choáng váng, ngạc nhiên và sửng sốt như đã từng mang lại cho các kitô hữu tiên khởi.

Một điều có thể giúp ích cho chúng ta là tưởng tượng lại bối cảnh của câu chuyện Tin mừng. Chúng ta có thể hình dung ra những con người và khung cảnh trong Kinh thánh và tưởng tượng rằng mình đang ở đó, bên cạnh họ, quan sát mọi việc diễn ra, lần lượt chiêm ngưỡng từng nhân vật.

Có lúc tôi đã suy nghĩ về những người đàn ông trong câu chuyện Phục Sinh: Trong số đó có Simon thành Cyrênê, Giuse Arimathê, và Thánh Gioan, đã thể hiện sự ủng hộ đáng ngưỡng mộ dành cho Chúa Giêsu trong và sau cuộc Khổ nạn của Người.

Bây giờ tôi cũng muốn chuyển hướng suy tư đến những người phụ nữ trong câu chuyện. Vai trò của họ rất quan trọng và khiến mọi Kitô hữu phải suy nghĩ.

Trên thực tế, vai trò của phụ nữ trong câu chuyện Phục sinh làm nổi bật điều mà triết gia Alice von Hildebrand gọi là “đặc ân được làm phụ nữ” trong cuốn sách cùng tên của mình. Bà viết :

Khi bỏ cách giải thích Kinh thánh theo chủ nghĩa thế tục, từ cái nhìn siêu nhiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, phụ nữ thực sự được trao một vị trí ưu biệt trong nhiệm cục cứu chuộc.

Vai trò của những người phụ nữ trong câu chuyện Phục sinh cho thấy sự gần gũi phi thường của họ với Chúa Kitô trong cuộc Khổ nạn của Người.

Thánh Maria Mađalêna

Thánh Maria Mađalêna là người đầu tiên nhìn thấy Chúa Phục Sinh. Von Hildebrand viết:
 

Nhân chứng đầu tiên của sự sống lại là một phụ nữ: Maria Mađalêna. Thường thì các tông đồ đã không tin vào lời chứng của bà … Mađalêna biết rằng mình được đặc ân nhìn thấy Chúa phục sinh và đã không cố gắng biện minh cho mình. Bà biết Đấng mà mình yêu mến sẽ bảo vệ bà bằng cách hiện ra với những người mà đức tin của họ đã lung lay… Bà biết Ngài là Đấng đã chiến thắng cái chết, giờ đây Ngài là người chiến thắng khải hoàn. Maria Mađalêna tin tưởng mạnh mẽ hơn vì bà yêu nhiều hơn.

Những phụ nữ Galilê đi theo Người

Một số phụ nữ (“Maria khác,” bà Salome, Gioanna, và những người khác) đã đồng hành với Chúa Giêsu và ủng hộ sứ vụ của Người. Họ đã không lẫn trốn cuộc Khổ Nạn của Người giống như các môn đệ mà đã đi theo Con Đường Thánh Giá và hiện diện khi Người qua đời. Von Hildebrand viết:
 

Ông Simon người Cyrênê thực sự đã giúp vác thập giá của Chúa Kitô, nhưng Thánh Luca cho biết chính xác rằng “ông bị buộc” phải làm như vậy. Các phụ nữ thánh thiện chắc chắn ghen tị với ông: Họ sẽ vui biết bao khi có thể thông phần thể xác vào những đau khổ của Đấng mà họ si mê.

Những người phụ nữ than khóc

Von Hildebrand viết: “Những người phụ nữ ở Giêrusalem khóc thương cho số phận của Đấng Thánh bị kết án tử một cách bất công trong khi quân lính ngược đãi Người một cách tàn nhẫn. Tiếng khóc của họ nhấn mạnh đến lòng thương thánh thiện và sự quan tâm đến người khác.

Thánh Veronica

Là một trong số ít người thể hiện một cử chỉ nhân ái trong Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô. Thánh Vêrônica là một tấm gương mạnh mẽ của hành vi yêu thương, ngay cả một hành vi nhỏ nhất vẫn luôn đáng giá.

Đức Trinh Nữ Maria

Tất nhiên, Đức Mẹ đóng vai trò hết sức quan trọng. Mẹ đã ở bên Chúa Giêsu khi Người chết, và chính trong vòng tay của Mẹ, các môn đệ đã đặt thi thể bị sức mẽ và vô hồn của Người. Von Hildebrand viết:

Chặng thứ tư, hình ảnh Đấng Cứu Thế gặp người mẹ yêu dấu của mình; không có một lời nào diễn tả về cuộc gặp gỡ đau lòng này, nhưng các tín hữu được mời gọi cung kính suy niệm về cảnh tượng của tình yêu và nỗi đau tột cùng khiến cho lời nói trở nên vô nghĩa.

Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/