CHÚA VẪN THƯƠNG CON

Tư Liệu

CHÚA VẪN THƯƠNG CON

        Năm xưa, nơi dinh vị thượng tế có một người khóc lóc, ăn năn, khi nhận ra mình đã trối đi tình nghĩa thầy trò sau ba năm cùng chia sẻ vui buồn với nhau. Người đó chính là Thánh Phêrô, viên đá vững chắc của Giáo Hội, từ một tội nhân với “bản án chối Thầy”. Nhưng rồi cũng chính ngài chấp nhận cái chết với “bản án tin vào Giêsu”. Thánh Phêrô đã nhận ra tội lỗi của mình sau tiếng gà gáy lần thứ hai và nhất là khi ngài nhìn thấy ánh mắt tha thứ, thương xót của Chúa Giêsu, vị Thầy yêu mến của mình. Là con người mang thân phận bụi đất, mỏng giòn – yếu đuối, luôn hướng về cái xấu, nên ai cũng dễ dàng phạm tội. Tôi cũng thế, có lúc thấy mình chẳng xứng đáng với tình yêu của Chúa. Để rồi nhiều lúc tự hỏi mình rằng: tiếng gà giúp tôi giật mình thức tỉnh đang ở đâu? Ánh mắt nhân từ của Chúa đang nơi nào? Hay khi tôi nghe tiếng gà mà cứ như không nghe, Chúa vẫn nhìn mà tôi như không thấy. Thiên Chúa là người cha luôn kiên nhẫn chờ đợi đứa con đi hoang trở về. Người sẵn sàng chạy ra ôm choàng đứa con và vui mừng trao lại chức vị mà đứa con từ chối nhận lãnh. Người con lạc lối đó là tôi, chính những lúc tôi từ chối ơn ban, sự tha thứ và lòng thương xót của Người. Khi nhìn về hoàn cảnh của Thánh Phêrô nơi dinh thượng tế, trong đêm định mệnh ấy, tôi thấy mình cũng giống ngài, đó là nỗi sợ. Ngài sợ ảnh hưởng đến mình nên đành chối Thầy ba lần, vì giờ đó ngài biết chắc Thầy mình sẽ chết, Thầy còn không tự cứu lấy mình thì sao cứu được mạng ngài. Thầy từng uy nghi, sáng láng trên núi Ta-bor, từng được mọi người tung hô là vua dân Do-thái, mà nay bị đánh đòn, bị người đời đối xử như một tử tội, thì hỏi sao ngài chẳng sợ cho được. Ngài chỉ là đệ tử, là học trò, là dân chài lưới “quê mùa dốt nát” chẳng có gì trong tay. Con người là thế, đứng trước cái chết hỏi ai không sợ, ai không hoang mang, làm sao cứu được mạng mình thì đã hay lắm rồi, còn lý trí đâu mà nghĩ đến tình thầy trò trong lúc nguy tử. Tôi cũng thế, tôi cũng sợ đủ thứ trong cuộc sống, có khi chỉ là những cái sợ đời thường: sợ ma, sợ mệt,…và rồi đến sợ cả quan điểm tôn giáo của mình. Tôi luôn nói mình tin Chúa, yêu Chúa. Nhưng thật sự, tôi có dám chứng minh cho người ta bằng hành động về những lời tuyên xưng mình nói không?  Hay khi đi ăn trong quán, tôi sợ người ta đánh giá, nghi vấn về việc làm Dấu Thánh Giá của mình, mà thôi không dám cám ơn Chúa bằng cách đọc kinh trước và sau khi ăn, hoặc có làm nhưng sợ sệt, lén lút. Đôi khi tôi sợ làm mất lòng người ta mà chấp nhận nói dối, sợ thua kém người khác mà chơi xấu, tìm cách đè người đó xuống. Rồi kiêu ngạo cho mình giỏi, biết điều này việc kia. Nhất là khi tôi chìm ngập trong tội lỗi của mình, từ chối lời mời gọi trở về với Chúa, buông mình cho sự dữ, không biết thống hối và nhận ra tội của mình, Chúa vẫn luôn gọi – tôi vẫn quay đi. Đi mãi, đến khi xung quanh tôi chẳng còn điểm tựa nào. Khi đó tôi mới biết rằng, càng xa Chúa, tôi càng phạm tội nhiều, xa cả khoảng cách không gian và thời gian, tôi đánh mất bình an trong tâm hồn, đánh mất tình thương với mọi người. Trái tim như ngày càng chai cứng, băng giá và vô cảm trước những điều lành, điều tốt. Tôi cho đó chẳng phải là bổn phận, trách nhiệm của mình. Càng xa Chúa, đồng nghĩa với việc tôi càng đánh mất trái tim mình, trái tim mà Thiên Chúa đặt để nơi tôi, giúp tôi biết đồng cảm với thế giới, với mọi người, giúp tôi biết đón nhận tình yêu và trao ban tình yêu cho mọi người. Và nhất là giúp tôi biết hối lỗi mỗi khi phạm tội. Tội, nó là vách ngăn vô hình nhưng rất bền vững giữa tôi với Chúa và với mọi người. Nó được xây dựng từ những nỗi sợ tôi có được. Nhưng cũng nhờ nó mà tôi nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa dành cho mình, một tình yêu vô bờ bến, lớn hơn tội của tôi gấp nhiều lần. Nhờ những khoảng lặng nghĩ về tội, tôi nhận ra bao điều mình đã phạm, những tổn thương, đổ vỡ giữa tôi với Chúa và với tất cả ai tôi gặp gỡ. Tôi tin rằng dù tội tôi có nhiều đến đâu chỉ cần tôi thật tình trở về với Chúa, về với vòng tay ấm áp của Ngài, thì Ngài vẫn tha thứ và vẫn mãi yêu tôi. Như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã từng nói: “Chúa không bao giờ thấy mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta, chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Người”.

Sr Như Ý, HD Con Đức Mẹ CT