Tu sĩ sống hiệp thông – Những chia sẻ thực hành
Bài viết chia sẻ những cảm nghiệm thực hành về lối sống hiệp thông hằng ngày của tu sĩ xoay quanh việc dám để Chúa Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn, chỉ dạy lối đường phải đi và cách thức bước đi trên lối đường đó.
Dẫn nhập “Lạy Chúa Thánh Thần, chỉ có Chúa là Đấng hướng dẫn chúng con, xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con, xin dạy chúng con lối đường phải đi và cách bước đi trên lối đường đó”. (Cẩm nang Thượng Hội Đồng XVI) Những lời này trong kinh cầu nguyện cho Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI hẳn đã chạm vào trái tim hàng triệu Kitô hữu, cách riêng những người nam – nữ sống đời thánh hiến. Đặc biệt hơn, vào thời điểm trước thềm Đại hội thường lệ của Thượng Hội đồng [10/2023], chủ đề Năm mục vụ 2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi mỗi nam nữ tu sĩ củng cố tình hiệp thông trước hết qua việc cùng cất lời cầu nguyện cho mình và cho Thượng Hội đồng. Lời nguyện này không chỉ biểu thị sự hiệp thông với Hội Thánh hoặc với hơn ba tỉ con tim Kitô hữu khắp nơi trên thế giới hướng về Thượng Hội đồng, mà còn mở ra những định hướng mục vụ cho lối sống hiệp thông trong Hội Thánh, cách riêng cho những người sống đời thánh hiến. Đã có không ít những suy tư, bàn luận, gợi hứng hoặc định hướng của các vị hữu trách, các chủ chăn, các chuyên viên kinh thánh, thần học, giáo hội học… viết về sự hiệp thông trong đời sống của người thánh hiến. Những công trình này thật đáng ngưỡng mộ, đáng trân trọng và cần được học hỏi, áp dụng trong đời sống hằng ngày của các nam nữ tu sĩ. Bản thân là một nữ tu, người viết rất biết ơn vì có cơ may tiếp cận những công trình này. Sau mỗi lần tiếp cận, người viết lại như có cảm hứng để đọc thêm, ngẫm thêm và gợi soi cho bản thân những thực hành cụ thể trong đời sống. Thế nên, những gì được trình bày dưới đây chỉ là những hoa trái mà người viết gặt hái được từ công trình của các vị tiền bối, nhằm đưa những suy tư thần học về việc sống hiệp thông đi vào nhịp sống hằng ngày vốn rất đơn điệu hoặc đầy bận rộn của đời tu. Mong sao những hoa trái ấy có thể góp chút gì đó để mỗi tu sĩ, cộng đoàn của họ và toàn nhân loại có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật. (Cẩm nang Thượng Hội Đồng XVI) Xin mạo muội chia sẻ những cảm nghiệm thực hành về lối sống hiệp thông hằng ngày của tu sĩ xoay quanh việc dám để Chúa Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn, chỉ dạy lối đường phải đi và cách thức bước đi trên lối đường đó. I. ĐỂ CHÚA THÁNH THẦN NGỰ TRỊ TRONG TÂM HỒN “Hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy” (Ga 15,9) Chúa Thánh Thần là tình yêu phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Mỗi Kitô hữu nói chung và người sống đời thánh hiến nói riêng, được mời gọi ở lại trong tình yêu này. Đây chính là ý nghĩa, động lực và sức mạnh cho lối sống hiệp thông của tu sĩ. Vì nếu linh đạo, đặc sủng của một hội dòng được xác tín là quà tặng của Chúa Thánh Thần, thì không có lý do gì người tu sĩ sống linh đạo ấy, thể hiện đặc sủng ấy mà lại không để cho Chúa Thánh Thần làm chủ tâm trí họ. Chính Chúa Thánh Thần sẽ tuôn ban sức mạnh, bảo vệ và dẫn dắt họ đi qua từng ngày sống, từng trách vụ và bổn phận cách tròn đầy nhất và hữu hiệu nhất. Một tu sĩ có Chúa Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn sẽ: 1. Kết hiệp liên lỉ với Ba Ngôi Cần phải nói ngay, sự kết hiệp liên lỉ ấy sẽ được nhìn thấy rõ nhất qua việc tu sĩ hằng ngày trung thành và kiên trì với việc cử hành phụng vụ và những giờ cầu nguyện cộng đoàn cũng như cá nhân. Ngự trị trong thâm sâu tâm hồn tu sĩ, Chúa Thánh Thần gắn kết họ cách mật thiết với Chúa Ba Ngôi, khơi lên trong lòng họ cơn khát khôn nguôi được ở lại trong Ba Ngôi, và thổi bừng trong lòng họ ngọn lửa mến yêu liên lỉ. Các giờ cầu nguyện, cá nhân hay cộng đoàn, vì thế sẽ không còn là bổn phận hay tiêu chí đánh giá của vị hữu trách, mà là nhu cầu của tình yêu, là sự sống còn cho đời thánh hiến. Đặc biệt, việc đón nhận Lời Chúa và Mình Chúa trong Thánh lễ mỗi ngày không chỉ cho họ sức sống thần linh, mà còn là phương thế tuyệt hảo nuôi dưỡng sự kết hiệp liên lỉ giữa họ với Ba Ngôi rồi mở ra cho những tương quan nhân loại được chúc phúc và nuôi dưỡng bằng sự sống Ba Ngôi. Xác tín và cảm nghiệm rõ ràng Thánh Thần đang ngự trị trong tâm hồn, người sống đời thánh hiến sẽ hiểu được niềm vui, niềm hạnh phúc và năng lực nội tâm của họ tùy thuộc thế nào vào sự hiện diện yêu thương và đầy quyền năng này của Thánh Thần trong họ. Niềm vui, hạnh phúc và năng lực ấy thật khác biệt: êm đềm mà sâu lắng, nhẹ nhàng mà bền bỉ, thoang thoảng nhưng dâng tràn. Một khi cảm nếm được niềm vui, hạnh phúc và năng lực Thánh Thần ban cho, người tu sĩ tìm thấy ý nghĩa tròn đầy cho từng ngày sống, tìm thấy động lực cho mọi dấn thân lớn nhỏ với những trách vụ và công việc, tìm thấy sức mạnh để vượt qua những trở ngại, những khó khăn và cám dỗ đến từ chính mình, từ tha nhân hay từ Tên Cám Dỗ. Như đã rõ, hoa trái đương nhiên của sự kết hiệp liên lỉ với Ba Ngôi chính là sự mở ra cho những tương quan dựng xây trên đức ái chứ không phải cảm tình nhân loại. Các tu sĩ biết phải làm thế nào để yêu tha nhân như Chúa yêu họ và sẵn lòng để cho đức ái dẫn họ đi vào những lối nẻo dâng hiến đến cùng, yêu đến cùng theo gương Chúa Giêsu. Sự hiệp thông, khi đó, chảy theo huyết mạch thần linh là Chúa Ba Ngôi, sẽ bền vững, sống động và sinh hoa kết trái là những việc lành và đem lại lợi ích cho các linh hồn. 2. Dành trọn trái tim cho Thiên Chúa Sự kết hiệp liên lỉ với Chúa Thánh Thần đòi người sống đời thánh hiến phải dành trọn con tim cho Thiên Chúa, một con tim không chia sẻ cho bất cứ ai và bất cứ thứ gì. Quả thế, con tim khiết tịnh của người tu sĩ trút bỏ mọi tương quan vốn chiếm chỗ trong trái tim họ hoặc từ từ lấp đầy trái tim ấy bằng những tình cảm thuần nhân loại. Họ để Chúa làm chủ trái tim mình đến độ không còn chỗ cho bất cứ thụ tạo nào khác, không còn là họ đang sống, mà là chính Chúa sống trong họ. Cuộc sống của họ, vì thế mà đầy tràn niềm vui và tỏa rạng đức hạnh thiêng liêng mà người đời không dễ cảm nếm được. Với con tim hoàn toàn tận hiến cho Chúa và sống tròn đầy phẩm cách là nữ hay là nam của họ theo đặc sủng của hội dòng, tu sĩ ấy tỏa ra vẻ đẹp và sức cuốn hút linh thánh tại mỗi nơi họ hiện diện, với mỗi người họ tiếp xúc. Và chắc chắn, những tương quan hay kết nối khi đó mang sắc màu tinh khiết, dồi dào và bền bỉ từ sức sống Ba Ngôi huyền nhiệm và phong phú. Bởi thế, người sống đời thánh hiến có khả năng liên đới và liên lụy với mọi người, bất chấp khoảng cách địa lý hoặc những khác biệt và cản trở. Họ không chỉ có tương liên nghĩa thiết với các thành viên trong tu hội, người thân, người quen, bạn hữu mà còn với người sống bên lề xã hội, bị bỏ quên, bị xa lánh, bị loại trừ. Trong cuộc sống hoặc trách vụ, người có con tim khiết tịnh, con tim dành trọn cho Chúa sẽ dễ dàng tìm thấy lối vào trái tim tha nhân, cách riêng với những người đang cần một ai đó lắng nghe, cần ánh mắt cảm thông, cần lời động viên, cần cái nắm tay và sẵn lòng cùng họ bước qua vũng tối cuộc đời. Nói cách khác, họ trở nên những tông đồ hiệp thông, luôn ở trong tình trạng hiệp thông, bất chấp thời gian hay không gian, ngôn ngữ hay văn hóa, tôn giáo hay tín ngưỡng. Cũng phải nói thêm rằng, niềm vui tỏa ra từ con tim hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa cho phép tu sĩ trở nên thỏi nam châm thu hút những tâm hồn thiện chí khát khao tình yêu đích thực, khát khao sự thiện và hạnh phúc đích thực, khát khao Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Mạng lưới hiệp thông nhờ đó càng lan tỏa, càng mở rộng và càng được củng cố trong Thánh Thần. 3. Nói không với não trạng “giải thiêng” Một người liên lỉ kết hiệp với Ba Ngôi và dành trọn trái tim cho Ngài sẽ có đủ khôn ngoan và sức mạnh để nói không với não trạng giải thiêng vốn gạt Thiên Chúa ra khỏi những suy nghĩ, lối sống và cách giải quyết các vấn đề lớn nhỏ hằng ngày. Lối sống để Chúa bên lề cuộc đời và các vấn đề của mình đôi khi bị che lấp dưới các mục tiêu xem ra rất thiện lành như thăng tiến cộng đồng, thăng tiến cá nhân, bảo vệ nhân phẩm, thuận theo tâm sinh lý, tôn trọng văn hóa… Thật ra, những điều này tự nó không xấu, nhưng sẽ không ổn chút nào nếu người ta thượng tôn chúng như ưu tiên hàng đầu, như điều quan trọng đến nỗi phải giảm bớt thời gian và bổn phận thờ phượng, như cái đích phải đạt tới mà không cần đến ơn thánh, không cần đến những chuẩn mực và tiến trình tự nhiên Thiên Chúa đã thiết lập. Để vượt thoát cơn cám dỗ giải thiêng ngọt ngào này, rất cần ơn khôn ngoan và khả năng phân định thường xuyên mới có thể nhận ra và thoát khỏi những dạng thức trá hình của nó. Tuy vậy, người luôn có Chúa trong mình sẽ không chỉ dễ dàng nhận ra, mà còn dễ dàng nói không với những mời mọc và cám dỗ tinh vi ấy. Cụ thể, người sống đời thánh hiến không nhân danh bổn phận và trách nhiệm để bỏ bớt giờ cầu nguyện riêng, lược xén phụng vụ chung hay thòi gian cầu nguyện trong cộng đoàn. Những hoạt động cho sứ vụ, những dấn thân cho tha nhân… đều rất cần, nhưng nếu coi đó là ưu tiên, là quan trọng hơn đến nỗi hy sinh cả giờ cầu nguyện thì thật là một mối nguy hại trông thấy được. Cũng thế, một khi đã có giàu kinh nghiệm hiệp thông với Chúa trong nguyện cầu, người sống đời thánh hiến sẽ để Chúa can thiệp, đụng chạm và hướng dẫn mọi tư tưởng, ước muốn hay hành động của họ. Không có Chúa – nguồn của sức sống, ánh sáng, chân lý và tình yêu – trong mọi hoạt động của ngày sống, sợi dây hiệp thông bị đe dọa nặng nề, khả năng sống hiệp thông của tu sĩ sẽ thui chột nhanh chóng. Kết cục là họ tự cô lập mình khỏi cộng đoàn, xa dần những bận tâm tông đồ, mơ hồ trong việc nhận ra nhu cầu của tha nhân và mất luôn sức kết nối với Hội Thánh như và với nhân loại đau khổ ngoài kia đang cần giúp đỡ. II. ĐỂ CHÚA THÁNH THẦN DẠY CHO LỐI ĐƯỜNG PHẢI ĐI “Thần khí sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13a) Được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần, mỗi cá nhân tu sĩ ý thức rất rõ mình được gọi và được chọn, được gửi vào một cộng đoàn là để phục vụ sứ mạng loan báo Tin Mừng theo nét riêng của đặc sủng mà Thánh Thần đã gợi hứng nơi vị sáng lập. Mối dây hiệp thông linh thánh này được thánh hóa và làm sinh động nhờ cam kết cùng nhau thừa hưởng, cùng nhau bảo tồn và phát triển đặc sủng Dòng nơi mỗi thành viên. Thế nên, khi để Thánh Thần dạy cho lối đường phải đi, tu sĩ và cộng đoàn của họ sẽ được Người dẫn đi trên nẻo đường mang tên hội dòng của họ. Họ sẽ đi trong cộng đoàn, với cộng đoàn và nhờ cộng đoàn. Họ đi cùng nhau. Ngoài ra, vì cùng thuộc về Dân Thiên Chúa, người thánh hiến còn được sống trong mối dây hiệp thông khác, mang tính đương nhiên và bắt buộc không kém, chính là hiệp thông với Hội Thánh và mọi thành phần dân Chúa trên khắp hoàn cầu. Thành ra, khi để Thánh Thần dạy cho lối đường phải đi, tu sĩ và cộng đoàn của họ sẽ được Người dẫn đi trên nẻo đường mang tên Hội Thánh. Phải, họ đi trong Hội Thánh, với Hội Thánh và nhờ Hội Thánh. Họ đi cùng Hội Thánh. Muốn kiên trì đi cùng nhau và trung tín đi cùng Hội Thánh, người thánh hiến cần sẵn sàng: 1. Mở ra cho những mới mẻ Hành trình đi cùng nhau đòi tu sĩ sống hiệp thông trước hết là mở ra cho những mới mẻ như món quà Thánh Thần ban tặng mỗi ngày. Những mới mẻ ấy có thể đến từ các thành viên trong cộng đoàn, từ người họ gặp gỡ trên đường sứ vụ, từ các thông tin trên mạng truyền thông, từ các hoạt động trong cộng đoàn, trong giáo xứ, giáo phận… Thật thế, trong thinh lặng và nguyện cầu, Thánh Thần uốn nắn và chỉnh đốn con tim cũng như khối óc họ, giúp nó ngày càng uyển chuyển, mềm mại và nhẹ nhàng. Con tim ấy sẽ dễ dàng nối kết, gắn bó và liên lụy với những con tim khác, đặc biệt với những con tim trĩu nặng vì sầu muộn, hoang mang, chán nản hoặc thất vọng. Không những thế, người sống đời thánh hiến sẽ tin tưởng và hân hoan bước theo Thánh Thần trên những ngõ ngách mà họ có thể chưa bao giờ nghĩ tới, chưa bao giờ mường tượng hoặc ao ước. Tuy vậy, họ không bước mơ hồ hoặc phó thác mù quáng, mà là bước với con tim lắng nghe, với tâm thế sẵn sàng đối thoại và với năng lượng của người luôn nhìn ra điều gì đó để trân trọng, để học và để áp dụng. Con tim tu sĩ, vì thế, sẽ luôn vui tươi và biết ơn. Con tim ấy vui đón những phần tử khác trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Con tim ấy biết ơn vì được thuộc về thân thể này và được thuộc về Dân Thiên Chúa. Họ sung sướng vì được đi giữa Dân ấy, đi với các thành viên khác của cộng đoàn, đi trong Hội Thánh. Khả năng hiệp thông và niềm vui có được nhờ đó mà lớn dần và sâu thêm. Đời thánh hiến sẽ trải nghiệm những hạnh phúc và hài hòa ở ngay giữa cộng đoàn, giáo xứ, giáo hội địa phương và giáo hội hoàn vũ. Những biến cố, sự kiện, tình trạng của Giáo hội hoặc của anh chị em tín hữu khắp nơi sẽ được họ đón nhận, thông hiệp, sẻ chia và cùng nguyện cầu với trọn tình thương mến. 2. Mở ra cho những phong phú Có điều, những mới mẻ mỗi ngày nơi tha nhân, nơi cộng đoàn, xã hội và môi trường thường mang theo cơ hội có kèm theo thách đố cho người tu sĩ. Tuy vậy, một trái tim luôn biết mở ra cho sự mới mẻ sẽ chỉ thấy những cơ hội để nới rộng lều, ra khỏi vùng an toàn, đi tới vùng ngoại biên, thấm lây mùi đời, mang lấy phận người. Những cơ hội ấy sẽ làm phong phú đời sống cá nhân tu sĩ và cộng đoàn, làm phong phú đời sống Giáo hội và bồi đắp sự an mạnh cho xã hội. Hơn nữa, khi trải nghiệm những cơ hội trên, con tim người sống đời thánh hiến sẽ được Thánh Thần bồi đắp bằng những phong phú được cất giấu trong những khác biệt về tính cách, tài năng, văn hóa, ngôn ngữ, hoàn cảnh, trách vụ… Những phong phú ấy sẽ làm giàu ký ức của họ về Chúa, làm năng động lối sống, làm nảy sinh không ngừng sáng kiến nuôi dưỡng và củng cố tình hiệp thông với Chúa, với chính mình, với tha nhân, với vạn vật. Và đương nhiên không được phép quên rằng, ở chiều ngược lại, những phong phú ấy rất có thể là những thách đố không hề nhỏ của người sống đời thánh hiến trên hành trình tìm kiếm và tận hưởng niềm vui cũng như an bình nội tâm. Thật vậy, không dễ dàng để tu sĩ phân định đâu là hy vọng và đâu là thách đố trong những gặp gỡ hoặc thái độ, những sự kiện hoặc biến cố xảy đến mỗi ngày. Có những mời gọi và dấu hiệu đến từ Chúa, nhưng không được hoặc chưa được nhận ra, thậm chí, có thể bị từ chối cách này cách khác. Thực tế này đòi họ phải có một con tim vâng phục theo đúng bản chất, nhiệm vụ và thực hành liên quan đến lời khấn vâng phục thánh hiến. Vâng phục Chúa và tuân giữ Lời Ngài, vâng phục Hội Thánh và nhiệt tình tham gia vào nhịp sống của Hội Thánh, vâng phục Bề trên và trung thành với kỷ luật tu trì, vâng phục Thánh Thần và sẵn lòng để cho Ngài dẫn dắt đi bất cứ nơi đâu Ngài muốn. 3. Nói không với não trạng “ghetto” Có thể nói, con tim vâng phục trên đây gặp phải cản trở đầu tiên từ bản tính nhân loại của tu sĩ, chính là não trạng ghetto hoặc định kiến khép kín. Một cách tự nhiên, con người thích làm bạn hoặc kết thân với những ai có cùng sở trường, sở đoản, quan điểm, đối tượng mến mộ, khả năng hoặc kinh nghiệm sống, giai tầng xã hội hoặc tình trạng kinh tế… Nhưng hơn ai hết, tu sĩ biết mình phải sống như Chúa Giêsu: chào đón mọi người vì phẩm giá của họ, chăm sóc mọi người vì phần rỗi của họ, yêu thương mọi người vì họ đáng được thương yêu. Muốn vượt qua cản trở này, người sống đời thánh hiến – một khi đã để Chúa Thánh Thần dẫn lối – sẽ học cách nói không với não trạng ghetto, với xu hướng giới hạn trái tim mình vào một số người hoặc một số lãnh vực. Thực tế cho thấy, để có thể mở lòng hoặc nới rộng lều cho người khác, tu sĩ phải không ngừng mở ra cho Thánh Thần, không ngừng để cho Ngài chiếm hữu và dưỡng nuôi. Điều này trước hết đòi một hệ lụy tích cực là họ phải học cách thích nghi vì tha nhân. Họ phải để cho mình được Thánh Thần cắt tỉa và chăm sóc mỗi ngày qua những hy sinh hãm mình, sẵn lòng từ bỏ ý riêng để chỉ tìm kiếm và thi hành ý Chúa. Sự hy sinh ấy được nhìn thấy qua lựa chọn nhận lấy những thiệt thòi mà không hề kêu ca, nhận lấy vất vả mà không phàn nàn trách móc, nhận lấy oan khiên mà không tìm đòi công lý, nhận lấy những thiếu hụt mà luôn lấy làm đủ đầy… Kế đến, ở chiều tiêu cực, họ phải học cách bỏ đi những gì cản trở cho việc thích nghi như những quan điểm, sở thích, thói quen, vật dụng, tương quan… mà nhiều khi đó là những điều đã từng rất hữu ích cho đời sống hiến dâng của bản thân tu sĩ và cộng đoàn. Chẳng hạn, cộng đoàn giảm thiểu vài hoạt động quen thuộc để mở ra cho nhu cầu mới trong sứ vụ loan báo Tin Mừng; rút lại một số người để dồn nhân lực cho nhu cầu cấp bách của dân chúng; sẵn sàng điều chuyển nhân lực để có thể tiếp cận, đồng hành, hỗ trợ Giáo hội và những ai đang cần đến. Phần cá nhân, có thể sẽ là hy sinh một vài nhu cầu chính đáng, bớt đi vài vật dụng thiết thân, hạn chế những sở thích thánh thiện… để thăng tiến đời sống đức tin và mưu cầu phần rỗi linh hồn tha nhân. III. ĐỂ CHÚA THÁNH THẦN DẠY CÁCH BƯỚC ĐI TRÊN LỐI ĐƯỜNG ĐÓ “Thần Khí Chúa… sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4, 18) Lựa chọn kiên trì ở lại trong tình yêu của Ba Ngôi, để Thánh Thần chiếm hữu và hướng dẫn, người sống đời thánh hiến sẽ được Ngài dạy cho cách bước đi trên lối đường đó. Cách đi phù hợp với con người mọi thời là đi như người nghèo và đi giữa người nghèo. Theo Thầy Giêsu, họ cùng với Giáo hội chọn đứng về phía người nghèo, sống như người nghèo và phục vụ người nghèo. Có nhiều kiểu người nghèo trong xã hội mọi thời mọi nơi: Nghèo kiến thức, nghèo tiền bạc, nghèo hạnh phúc, nghèo đạo đức, nghèo tình thương… Tất cả đang cần đến sự hiệp hành của người sống đời thánh hiến. Tất cả đáng được hưởng hoa trái từ lối sống hiệp thông của họ. Tất cả đáng được ưu tiên chăm sóc, ưu tiên liên lụy, ưu tiên phục vụ. 1. Đi với người nghèo Theo gương Thầy Giêsu, người sống đời thánh hiến chọn phục vụ người nghèo trước hết. Khó có thể kể hết những trung tâm bác ái là chốn nương thân cho người neo đơn, bị bỏ rơi, thất học hoặc thất nghiệp; những mái ấm cho trẻ sơ sinh vô thừa nhận; những trung tâm hướng nghiệp, quỹ khởi nghiệp, học bổng… Các cơ sở ấy hiện diện khắp nơi từ thành thị xa hoa đến miền quê hoang vắng. Quy mô mỗi nhà cũng khá đa dạng, từ đơn sơ đến chuyên nghiệp, từ quốc nội đến quốc tế. Những dấn thân ngày càng nhiều vào những dịch vụ an sinh công của nhà nước cũng là một tín hiệu đáng kể cho thấy kết quả tốt đẹp và tầm ảnh hưởng của những trái tim dành trọn cho Thiên Chúa và biết cách dành trọn cho con người. Họ không thi ân bằng những chăm sóc thể lý, mà còn sẵn lòng lắng nghe, chuyện trò, cố gắng hiểu và cùng đối diện với những thách đố mà người nghèo đang gặp phải. Hẳn nhiều người vẫn còn lưu giữ trong tim mình những ấn tượng khó phai về sự hợp tác vô tiền khoáng hậu giữa Giáo hội, cách riêng là các linh mục-tu sĩ, với các nhân viên nhà nước và những ai chịu trách nhiệm về công ích trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Quả thật, đi với người nghèo để phục vụ người nghèo là cách Thần Khí muốn người sống đời thánh hiến đi trên con đường hiệp hành. Nói cách khác, người sống đời thánh hiến phục vụ người nghèo để tiếp tục được hiệp thông với Ba Ngôi qua từng phận nghèo, tiếp tục tham gia và cảm nếm những thiệt thòi mà người nghèo phải chịu, tiếp tục sứ vụ mà Chúa Giêsu đã ưu tiên lựa chọn trong suốt cuộc đời trần thế của Người. Bởi đó, khi nhìn vào các hoạt động bác ái của người sống đời thánh hiến, người ta sẽ thấy được độ sâu hiệp thông, độ rộng tham gia và độ phong phú của sứ vụ nơi họ. Dù vậy, ở chiều ngược lại, vẫn là một cảnh giác không thừa trước nguy cơ tu sĩ bị cuốn vào các hoạt động bác ái khiến mọi dấn thân trở thành một dịch vụ công, và bản thân họ chỉ còn là một nhân viên xã hội. Ranh giới giữa nghĩa cử bác ái và việc thiện nguyện nằm ở chính con tim tu sĩ. Con tim ấy có mở ra với Chúa, để Chúa chiếm hữu và ngự trị, để Chúa dẫn dắt và chỉ dạy hay đơn thuần chỉ là một xúc cảm nhân văn kiểu “tội nghiệp”, “thật đáng thương”, “làm người ai cũng sẽ làm vậy”… Sự nhầm lẫn hoặc biến chất này thường gây nhức nhối cho cộng đoàn, cho Giáo hội và nhiều khi dẫn tới kết cục bi thảm khó ngờ cho bản thân tu sĩ: họ sẽ không tìm thấy ý nghĩa, giá trị, động lực và sức mạnh cho các dấn thân của họ nữa. Những dang dở và gãy đổ trong ơn gọi phần lớn phát sinh từ tình trạng trống rỗng và vô nghĩa này. 2. Đi như người nghèo Bởi vậy, lựa chọn phục vụ người nghèo được bảo đảm và đạt đến độ bền vững nơi lối sống nghèo của người thánh hiến. Chọn sống nghèo, tu sĩ dễ dàng nhận ra và biết cách đáp ứng những nhu cầu của người nghèo. Hiệp hành với phong thái của người nghèo, tu sĩ dễ dàng hiệp thông và cậy dựa vào Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự cho cuộc sống và trách vụ họ đang thi hành. Nhờ đó, họ nhiệt tình tham gia các sinh hoạt và nếp sống của cộng đoàn, của Hội thánh; họ sẵn sàng đón nhận những bấp bênh và thiếu hụt, bình tĩnh vượt qua những hiểm nguy và đe dọa; họ thi hành và hoàn thành trách vụ trong niềm vui, sự tín thác và lòng khiêm tốn. Họ đi như người nghèo. Không khó để nhận ra những tu sĩ sống nghèo đó đây trong cộng đoàn, trong giáo xứ, giáo điểm… Họ chọn những phương tiện dành cho người nghèo để di chuyển, để sử dụng, để phục vụ. Họ đón nhận cách vui vẻ và biết ơn những gì đến từ Chúa, từ bề trên, từ anh chị em hay từ những người họ được sai đến phục vụ. Họ cảm nghiệm sống động hơn ai hết điều này: Họ không có gì, nhưng không thiếu gì. Con tim họ luôn lấy làm đủ với những gì họ nhận được. Con tim ấy vui mừng tận hưởng những gì họ đang có chứ không phải cái họ chưa hoặc không có. Con tim ấy sẵn lòng mở ra cho mọi nhu cầu của tha nhân, sẵn lòng chia sẻ đến cả phần lương thực hằng ngày hoặc những vật dụng cần dùng. Về điểm này, đức Phanxicô là tấm gương rạng ngời. Nói cụ thể hơn, đi như người nghèo trên lối đường Thánh Thần chỉ dẫn, tu sĩ phó thác đời mình cho Chúa qua bề trên, qua cộng đoàn, qua dân chúng. Họ thậm chí không tìm thỏa đáp những nhu cầu về cơ bản là rất chính đáng của sức khỏe thể lý. Trong sinh hoạt hằng ngày, có thể, họ dư sức để trả tiền điện, nhưng tiết kiệm tối đa để góp phần làm chậm tốc độ nóng lên của trái đất vốn khiến biết bao anh chị em nghèo khổ khắp nơi trên thế giới thêm khốn đốn vì băng tan; họ có quyền để sử dụng nguồn nước theo nhu cầu, nhưng họ đong đếm từng chút một vì muốn liên lụy với những anh chị em đang tìm kiếm từng xô nước, đang phải dùng nước ao hồ để sinh hoạt, đang phải tiết kiệm từng giọt nước mưa; dù có quyền bỏ đi thức ăn thừa hoặc những món làm tăng mỡ máu, làm hại gan hoặc tích tụ cholesterol, nhưng họ đón nhận và ăn một cách hân hoan và biết ơn, như thể một người nghèo hôm đó kiếm được nhiều đồ ăn hơn. Thật vậy, người sống đời thánh hiến khước từ quyền hưởng dùng của cải và các phương tiện không phải để bần cùng hóa hoặc biến mình trở nên đáng thương, mà là để sống nghèo theo gương Đấng đã vì họ mà trở nên nghèo khó. Họ mang vào mình những thiếu thốn và đói khát, những vất vả và mệt nhọc, những thiệt thòi và bất công mà người nghèo thường phải chịu. Họ trân trọng từng cơ hội để được sống nghèo. 3. Nói không với não trạng “ưu tiên” Hậu quả tất yếu của cách đi như người nghèo trên đây chính là việc học nói không với não trạng ưu tiên nơi các tu sĩ. Có một thực tế là, hiện nay, các linh mục – tu sĩ tại Việt nam vẫn được kính trọng bởi đại đa số giáo dân. Có nơi, sự kính trọng này ở mức thái quá và đã để lại những hệ lụy không mấy tốt đẹp. Tình trạng này, nhìn với con mắt hy vọng, sẽ là lời cảnh báo đồng thời mời gọi tu sĩ chân nhận phẩm cách của mình và cảnh giác trước những cám dỗ đòi đặc quyền, ưu tiên hoặc miễn trừ làm mất đi cốt cách của người sống đời thánh hiến. Cụ thể, đến với người nghèo và phục vụ họ, người sống đời thánh hiến có thể sẽ bị cám dỗ cho rằng họ ở trên ban ơn và giúp đỡ người nghèo là những người ở dưới, nên ngôn ngữ giao tiếp mang màu cách biệt giữa kẻ xin và người cho; hoặc cho rằng những công việc và thời gian của họ thì quan trọng hơn nên người chờ đợi sẽ là người nghèo đang cần họ giúp đỡ; cho rằng những nhu cầu an sinh của họ thì quan trọng và cần thiết nên phải được chu cấp đầy đủ; cho rằng những gì họ chia sẻ đều là tốt với người nghèo, dù đó là những thứ dư thừa, nên người nghèo phải biết ơn, phải vui nhận những thứ mình được cho, dù có thể chưa thực sự cần. Thật ra, Giáo hội và người nghèo chờ đợi người sống đời thánh hiến một sự hiện diện khiêm hạ như Chúa Giêsu, một sự hiện diện thinh lặng như Mẹ Maria, một sự hiện diện trở nên mọi sự cho mọi người như thánh Phaolô. Người nghèo khổ sẽ hạnh phúc biết bao nếu họ có thể nhìn thấy nơi tu sĩ đang chăm sóc họ khuôn mặt của Đấng Vô Hình. Ý thức điều này, tu sĩ sẽ khiêm tốn và tận tụy trong trách vụ và bổn phận vì chân nhận mình chỉ là nô bộc của Chúa, được bề trên thay mặt hội dòng sai đi… nên sẽ không để cho mình được trọng vọng hay biết ơn; không đòi được ưu tiên về vật dụng hoặc những đối đãi. Thái độ và cung cách phục vụ ấy cho tu sĩ cơ hội gặp được dung nhan của Chúa Giêsu trong mọi dáng vẻ và tình trạng của người nghèo. Đồng thời, càng phục vụ, họ càng học biết cách dành cho người nghèo sự quan tâm thật sự với mối tương quan liên vị dựa trên đức ái và lòng thương xót, chứ không phải là cuộc phát chẩn vội vàng trong mỗi lần gặp gỡ. Kết luận Như thế, đã rõ rằng khi để cho Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn và dẫn đưa vào sự hiệp thông với Ba Ngôi, người thánh hiến được dẫn dắt trên những nẻo đường và cách thức phù hợp với Tin Mừng hầu làm chứng cho Tin Mừng và làm lan tỏa sức sống của Tin Mừng tại nơi họ hiện diện. Tin Mừng ấy, chính là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa – Đấng Cứu Độ duy nhất, Danh duy nhất mà con người phải cậy nhờ để được cứu độ. Chỉ khi sống trong mối tình hiệp thông này, tu sĩ mới có cơ may trở thành tông đồ hiệp hành, kết nối – đồng hành và lan tỏa sức sống thần linh cho cộng đoàn, cho Giáo hội và cho cuộc đời, cách riêng cho những phận đời đang là nạn nhân của thiên tai, nhân tai, đói nghèo, bất công, bạo hành, bạo loạn, chiến tranh, hận thù… Dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì và sống trong hoàn cảnh nào, người thánh hiến dám chọn sống theo Thánh Thần, sẽ nở hoa và sinh trái của Thánh Thần cho mình và cho đời. Xin mượn lời của thánh Phaolô để khép lại những dòng suy tư thực hành về lối sống hiệp thông nơi người sống đời thánh hiến ngày nay: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa… Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. …. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,16.22…25). Nt. Têrêxa Nguyễn Thị Thiên Hoàng, Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 138 (Tháng 11 & 12 năm 2023) |
Nguồn: https://hdgmvietnam.com/ |