THÁNH MARCÔ, THÁNH SỬ
Thánh Marcô, mặc dù mang tên Roma, nhưng lại là người Do Thái, và còn được gọi theo tên Do Thái là Gioan. Tuy không thuộc nhóm Mười Hai Tông Đồ, nhưng rất có thể ngài đã quen biết Chúa Giêsu. Nhiều văn gia Giáo Hội phát hiện ra chữ ký kín ẩn của thánh Marcô trong Phúc Âm của ngài, trong trình thuật người thanh niên bỏ chạy với một mảnh vải trên người, khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Cây Dầu: ý nghĩa ở đây là chỉ có mình thánh Marcô đề cập đến chi tiết ấy. Điều này còn trùng hợp với một chi tiết khác: Marcô là con trai bà Maria, một góa phụ giàu có, sở hữu ngôi nhà, nơi các tín hữu Jerusalem tiên khởi thường tụ họp. Theo một truyền thống cổ xưa, ngôi nhà này chính là ngôi nhà có phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Ly và thiết lập bí tích Thánh Thể.
Marcô có bà con với thánh Barnabas; ngài đã đồng hành với thánh Phaolô trong cuộc truyền giáo lần thứ nhất, và ở bên cạnh vị Tông Đồ dân ngoại trong những ngày cuối đời của ngài. Tại Roma, Marcô còn làm môn đệ của thánh Phêrô. Trong Phúc Âm của ngài, với ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, thánh Marcô đã trung thành trình bày giáo huấn của vị Tông Đồ trưởng. Theo một truyền thống cổ xưa được thánh Jerome kể lại, sau khi hai thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo, thánh Marcô đã sang Alexandria, giảng đạo, thành lập giáo đoàn và trở thành giám mục tiên khởi ở đó. Vào năm 825, thánh tích của ngài được dời từ Alexandria về Venice, thành phố hiện nay nhận ngài làm quan thầy.
- Marcô, người phụ tá của thánh Phêrô.
Ngay từ khi còn rất trẻ, Marcô đã thuộc vào nhóm các tín hữu tiên khởi ở Jerusalem, những người quen biết và được sống bên cạnh Đức Mẹ và các Tông Đồ. Mẹ của ngài là một trong những phụ nữ đã lấy tài sản chu cấp cho Chúa Giêsu và mười hai Tông Đồ. Marcô cũng có bà con với thánh Barnabas, một trong những nhân vật chính yếu trong thời kỳ đầu, và là người đầu tiên dìu dắt ngài trong công cuộc rao giảng Phúc Âm. Marcô đồng hành với thánh Phaolô và thánh Barnabas trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, nhưng khi đến đảo Cyprus, Marcô cảm thấy không thể tiếp tục được nữa nên đã từ giã và trở về Jerusalem. Thánh Phaolô dường như rất thất vọng về tính thay đổi của Marcô. Về sau, khi trù định cho hành trình truyền giáo lần thứ hai, thánh Barnabas muốn đem theo Marcô, nhưng thánh Phaolô nhất định không chịu vì nhớ lại sự việc trước đó. Cuộc tranh luận giữa thánh Phaolô và thánh Barnabas căng thẳng đến nỗi sau cùng hai vị đã chia tay, mỗi người tiến hành chương trình của riêng mình.
Khoảng mười năm sau, chúng ta lại thấy Marcô tại Roma, lần này ngài giúp đỡ thánh Phêrô. Lời thánh Phêrô đã viết trong thư: con tôi là Marcô, minh chứng mối liên hệ lâu bền và gần gũi giữa hai vị. Thời gian ấy, Marcô là thông dịch viên cho vị Tông Đồ trưởng, việc này đem lại một lợi điểm mà chúng ta nhận ra trong Phúc Âm được ngài viết sau đó ít năm. Mặc dù không ghi lại một bài giáo huấn dài nào của Chúa, nhưng bù lại, thánh Marcô đã mô tả rất sinh động về những biến cố trong cuộc sống của Chúa Giêsu với các Tông Đồ. Trong các trình thuật của ngài, chúng ta thấy hiện lên những thị trấn nhỏ ven bờ biển Galilê; chúng ta cảm nhận được những lời bàn tán của đám đông đi theo Chúa Giêsu, chúng ta như thể tiếp xúc với những cư dân của các địa phương ấy, nhìn thấy những việc kỳ diệu của Chúa Giêsu, và những phản ứng tự phát của nhóm Mười Hai. Tóm lại, chúng ta thấy mình như giữa đám đông dân chúng, được chứng kiến các biến cố Phúc Âm. Qua những mô tả sinh động, thánh Marcô đã in đậm vào linh hồn chúng ta một hấp lực dịu dàng nhưng không sao cưỡng lại của Chúa Giêsu mà dân chúng và các Tông Đồ đã cảm nghiệm được trong cuộc sống với Thầy Chí Thánh. Thánh Marcô đã trung thành ghi lại những hồi tưởng thân mật của thánh Phêrô với Thầy Chí Thánh: những ký ức ấy không phai nhòa theo năm tháng, nhưng càng ngày càng sâu đậm và sinh động hơn, càng thấm thía và hứng thú hơn. Có thể nói Phúc Âm thánh Marcô là tấm gương sinh động về giáo huấn của thánh Phêrô.
Thánh Jerome cho chúng ta biết, theo thỉnh nguyện của các tín hữu Roma, Marcô, môn đệ và thông ngôn của thánh Phêrô, đã viết Phúc Âm theo những gì ngài đã được nghe thánh Phêrô giảng dạy. Và chính thánh Phêrô, sau khi đã duyệt bản Phúc Âm ấy, đã dùng quyền bính chấp thuận cho sử dụng trong Giáo Hội. Đây thực sự là sứ mệnh chính trong cuộc đời thánh Marcô: trung thành ghi lại những lời giảng của thánh Phêrô. Ngài đã để lại cho hậu thế biết bao ích lợi! Ngày nay, chúng ta thực sự phải mang ơn thánh Marcô vì nhiệt tâm ngài đã đặt vào công việc và lòng trung thành với ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần! Ngày lễ kính thánh Marcô là dịp để chúng ta xét lại việc hằng ngày chúng ta đọc Phúc Âm, lời Chúa nói trực tiếp với chúng ta, như thế nào. Chúng ta có thể tự hỏi đã bao lần chúng ta đã sống như người con hoang đàng, hoặc áp dụng cho mình lời cầu khẩn của anh mù Bartimaeus: Lạy Chúa, xin cho con được nhìn thấy – Domine, ut videam! Hoặc lời thỉnh nguyện của người cùi: Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, xin cho tôi được sạch – Domine, si vis, potes me mundare! Bao lần chúng ta cảm thấy tận đáy lòng rằng Chúa Kitô đang nhìn và mời gọi chúng ta hãy sát bước theo Người, kêu gọi chúng ta hãy vượt thắng một thói xấu nào đó làm chúng ta xa cách Người, hoặc như các môn đệ trung thành, hãy sống nhân ái hơn nữa với những người khó hòa hợp với chúng ta?
- Là khí cụ của Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng thực hiện một cuộc khởi đầu mới.
Thánh Marcô đã giúp đỡ thánh Phêrô nhiều năm tại Roma, ở đó, chúng ta còn thấy ngài phụ giúp thánh Phaolô nữa. Quả thế, con người mà thánh Phaolô thấy không thể sử dụng trong hành trình truyền giáo lần thứ hai thì nay lại là một niềm an ủi, và là một người bạn trung thành. Vào khoảng năm 66, thánh Tông Đồ đã viết cho Timothy: Con hãy đem Marcô đi với con, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của cha. Sự kiện đảo Cyprus một thời hết sức ảm đạm, thì nay dường như đã bị quên lãng hoàn toàn. Giờ đây, thánh Phaolô và thánh Marcô là bạn hữu và đồng sự của nhau trong công cuộc quan trọng là mở rộng vương quốc Chúa Kitô. Thực sự đây là một tấm gương lớn lao và cũng là một bài học tuyệt vời cho chúng ta học biết: đừng bao giờ kết luận dứt khoát về một ai, khi nào cần thiết một ai, chúng ta hãy biết cách nối lại mối dây thân hữu mà đã có lúc xem như đã tan rã hoàn toàn!
Giáo Hội hôm nay nêu lên mẫu gương thánh Marcô. Thật là một hy vọng và ủi an khi chiêm ngưỡng đời sống vị sử gia thánh thiện này. Mặc dù có những yếu đuối, nhưng chúng ta vẫn có thể như ngài, tin tưởng vào ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ Giáo Hội. Những thất bại và những hành vi nhát đảm của chúng ta, dù lớn hoặc nhỏ, phải làm chúng ta khiêm tốn hơn, liên kết chúng ta mật thiết hơn với Chúa Giêsu, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh mà chúng ta đang thiếu thốn.
Chúng ta đừng để những bất toàn nên cớ làm chúng ta xa cách Chúa hoặc từ bỏ sứ mạng tông đồ, mặc dù đôi khi chúng ta đã không đáp ứng đúng mức với ơn Chúa, hoặc chúng ta đã ngần ngại khi được nhờ cậy. Những hoàn cảnh như thế, nếu có khi nào xảy ra, chúng ta không nên ngạc nhiên, bởi vì như lời thánh Phanxicô Salê đã nói, Không có gì phải ngạc nhiên vì bệnh tật là bệnh tật, yếu đuối là yếu đuối, và gian ác là giac ác. Tuy nhiên, hãy hết sức gớm ghét điều bạn đã xúc phạm đến Chúa, và với lòng tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, hãy quảng đại quay lại con đường mà bạn đã từ bỏ.
Những thất bại và những hành vi nhát đảm rất quan trọng. Chúng khiến chúng ta trở về bên Chúa để nài xin ơn tha thứ và trợ giúp của Người.Nhưng Chúa vẫn tin tưởng chúng ta, và chúng ta vẫn cậy trông ơn Chúa, nên chúng ta hãy lập tức làm lại và quyết tâm trung thành hơn trong tương lai. Với ơn phù trợ của Đức Mẹ, chúng ta sẽ biết cách rút ra điều hữu ích từ những yếu đuối, nhất là khi kẻ thù, những kẻ không bao giờ nghỉ ngơi, ra sức làm chúng ta thất đảm và từ bỏ cuộc chiến. Chúa Giêsu muốn chúng ta thuộc về Người mặc dù chúng ta đã có một lịch sử yếu đuối với những sai phạm.
- Sứ vụ tông đồ.
Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. Hôm nay, chúng ta đọc những lời này trong Ca Nhập Lễ. Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Marcô đã ghi lại. Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Phúc Âm: Các tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng bằng những phép lạ kèm theo. Đó là những lời thánh Marcô kết thúc Phúc Âm của ngài.
Thánh Marcô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh Phêrô: Hãy đi khắp thế gian. Chính thánh Marcô và Phúc Âm của ngài đã là một thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt cho thời đại chúng ta. Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân loại.
Sứ mạng của thánh Marcô – cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình – chắc chắn không phải là một sứ mạng dễ dàng. Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong việc theo bước Chúa.
Chúng ta hãy cám tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta. Mọi thế hệ Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ lại cho người khác. Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Non est abbreviata manus Domini – Cánh tay Chúa không bị thu ngắn. Người tín hữu biết Chúa đã thực hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực hiện. Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.
*************************************
Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,
Có rất nhiều điều trong chúng con đã che lấp lời của Chúa
Và ngăn trở chúng con trở thành Giáo Hội thật sự của Chúa.
Hôm nay, chúng con cầu xin Chúa:
Xin hãy gọi chúng con, như Chúa đã gọi Máccô xưa kia,
Để chúng con nói và sống Lời Chúa.
Xin Chúa hãy linh ứng chúng con qua Chúa Thánh Thần
Và xin hãy dạy chúng con sống trong hy vọng
Rằng vương quốc của Chúa sẽ đến
Và ở lại giữa chúng con
Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con
Bây giờ và muôn đời.
Sưu tầm