Suy tư Tin mừng CN V MC-Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh
Chúng ta đang ở trước Tuần Thánh (the holy week). Đây là thời gian chuẩn bị tâm hồn để đối diện với nhiều thách đố. Chính Chúa Giêsu trong những ngày này cũng gặp thách đố khi sắp đối diện với thập giá. Chúng ta cũng được mời gọi để bước vào hành trình gian khổ này để sau đó cũng được ở với Chúa trong vinh quang.
Bài Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa Chay hôm nay (Ga 12,20-33) cho chúng ta câu trả lời rõ hơn: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh!” Nghĩa là Đức Giêsu biết giờ chết của Ngài sắp tới. Trước đó, chính Ngài đã tiên báo đến ba lần về thời khắc đau thương này. Hơn ai hết, Đức Giêsu ý thức rất rõ về sứ mạng của Ngài trên trần gian. Ngài đến để dùng chính mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. Do đó trước cái chết, Ngài không trốn tránh, nhưng tự nguyện đi vào con đường thập giá (Lc 9,51). Tất cả là vì yêu thương con người. Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Đức Giêsu đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” (Youcat 210).
Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy có mấy người Hy Lạp mộ mến muốn gặp Đức Giêsu. Thay vì gặp những người này, Đức Giêsu muốn dành giờ trò chuyện, hàn huyên với các môn đệ. Là con người, Đức Giêsu cũng sợ chết, bàng hoàng với những gì sắp diễn ra (Ga 12,27). Ngài cần các môn đệ lúc này! Bên cạnh đó, để chúng ta có thể gặp được Đức Giêsu, để được cứu độ, chính Ngài phải chịu chết, phải được tôn vinh. Thiên Chúa sẽ giải thoát, chữa lành và đưa các tín hữu đến đời sống mới trong ân sủng nhờ Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Do đó cả đoạn Tin Mừng này, chúng ta nghe thấy Đức Giêsu dùng nhiều từ liên quan đến cái chết: giờ, tôn vinh, sinh hoa trái, yêu và ghét sự sống, sự sống đời đời, đi theo Đức Giêsu, xét xử thế gian, v.v.
Vì cứu độ con người, Đức Giêsu đã tự nguyện hiến mạng sống mình. Đó là cách thế duy nhất Thiên Chúa dành cho Con Một của Người. Vì yêu mến và vâng phục, Đức Giêsu đã bước vào con đường khổ giá. Ngài cũng mời gọi các môn đệ bước theo sau. Với Đức Giêsu, chết là mở ra một chân trời vinh quang. Nơi đó, với cái chết và sự phục sinh, Đức Giêsu sẽ quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành cộng đoàn đông đảo những người được cứu độ. Hai từ “cứu độ” là nguyên nhân chính để Đức Giêsu chịu chết. Do vậy những ai muốn bước theo Đức Giêsu, muốn phục vụ Ngài, con đường chông gai ấy cũng chờ họ phía trước.
Thực ra biến cố thập giá chỉ ý nghĩa khi chúng ta muốn dự phần vào. Nói như thần học gia người Pháp Francis Fénelon: “Ta phải vác thập giá chứ không kéo lê, và phải đón nhận thập giá như kho tàng chứ không phải như một gánh nặng. Chỉ nhờ thập giá mà ta có thể nên giống như Chúa Kitô.” Khi là người trong cuộc, chúng ta mới được chung chia vinh quang với Thiên Chúa. Hiểu theo nghĩa này, mọi đau khổ của chúng ta, nếu gắn liền với thập giá, đều có ý nghĩa cả về tâm lý lẫn tâm linh. Về tâm lý học, khi đón nhận đau khổ nghĩa là chúng ta sẵn lòng chấp nhận thực tại. Đón nhận với nụ cười và tinh thần lạc quan sẽ giúp đương sự nhẹ bớt nỗi đau, vơi bớt nỗi buồn. Về mặt đức tin, chúng ta tin rằng thập giá, đau khổ là cơ hội để mình hòa vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Tôi chấp nhận để Chúa Giêsu kéo mình vào con đường thập giá, lên đến đỉnh đồi Canvê. Nếu tôi trung tín đến cùng, nếu tôi theo Chúa đến cùng, chắc chắn vinh quang của Thiên Chúa sẽ chào đón tôi.
Để hiểu rõ hơn về con đường của Chúa, tôi xin lược kể câu chuyện thú vị dưới đây của triết gia người Đan Mạch Soren Kierkegaard:
Một vị vua bỗng dưng đem lòng thương cô thôn nữ nghèo. Ông tin rằng mình có thể dùng quyền vua để cưới cô ấy làm vợ. Nhưng ông lại sợ cô lấy ông chỉ vì nể phục chứ không yêu. Như thế tương quan giữa hai người không được trọn vẹn. Sau khi suy nghĩ, ông thấy chỉ có cách là thực sự từ bỏ ngai vàng, trở thành một anh nông dân nghèo, và bày tỏ tình yêu mình cho cô gái. Vị vua biết làm thế là liều lĩnh, vì ông có thể mất cả cô lẫn ngôi báu. Cô có thể chê chàng nông dân, hay chê quyết định dại dột của vị vua. Nhưng nhà vua vẫn dám liều mình, vì ông quá yêu cô thôn nữ, và ông muốn đây là một mối tình thực sự. Thậm chí nhà vua sẵn lòng làm mọi thứ để yêu được cô thôn nữ. Đến nỗi chấp nhận cái chết, nhà vua cũng sẵn lòng.
Soren Kierkegaard kết thúc câu chuyện của mình với một cụm từ duy nhất: vị vua ấy chính là Chúa Giêsu. Độc giả có thể hụt hẫng khi chưa biết hồi kết của chuyện tình trên đây sẽ đi đến đâu. Vua có cưới được cô gái ấy không? Cô ấy có yêu nhà vua thật lòng? Hoặc nhà vua ấy có mất cả người yêu và ngai báu?
Những câu hỏi trên đây đã có lời giải trong Tin mừng: Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần và đã cưới cô gái ấy. Cô gái ấy là Giáo hội, là chúng ta. Chúa vẫn luôn yêu từng người. Ngài tiếp tục mời gọi Giáo hội đón nhận màu nhiệm thập giá như là cách thế để giữ được mối tình chung thủy với Thiên Chúa. Hoặc nói như thánh Augustinô: “Ta là Kitô hữu, ta không chìm đắm vào trong bão tố của thế gian chỉ vì một lý do duy nhất là ta được đùm bọc bởi cây thập giá.” Thập giá là dấu chỉ để ta là Kitô hữu đích thực. Vậy trước Tuần Thành, ước gì mỗi người xin cho mình đủ sức, đủ ơn của Chúa để dám bước đi với Chúa Giêsu trong tuần này và cả Tuần Thánh nữa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa sắp được Thiên Chúa Cha tôn vinh. Chúng con muốn bước với Chúa trên con đường thập giá. Với sức con người, chúng con không thể. Nhưng với ơn của Chúa, chúng con có hy vọng bước theo Chúa đến cuối con đường. Ở bên cây thập giá, chúng con cũng được dự phần vào cái chết của Chúa, và cũng được vinh thắng với Chúa. Xin đừng để chúng con quên lời này: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24). Amen.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ