NỖI THỐNG KHỔ CỦA CHÚA (Lc 22, 14 – 23. 56)
Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá Năm C rất quen thuộc với hầu hết các Kitô hữu khi tường thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa. Tuy nhiên trong bốn sách Tin Mừng, thì chỉ có Thánh sử Luca nhắc đến việc Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong Vườn Dầu. Chúng ta học được điều gì từ hình ảnh này? Hãy cùng bước đi với Chúa lên núi Oliu, chiêm ngắm nỗi thống khổ của Ngài, chỉ vì yêu thương nhân loại đến cùng… Thứ nhất, khi đứng trước Cuộc Thương Khó sắp chịu, Chúa Giêsu cũng xao xuyến sợ hãi và có những đối kháng trong lòng. Điều này cho thấy, khi một người phải đối mặt với những đau khổ cùng cực trong cuộc sống thì những lo âu, sợ hãi, và khuynh hướng muốn lẫn tránh là điều rất tự nhiên. Nhưng đối với chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta không chỉ biết phản ứng theo lẽ tự nhiên như vậy, nhưng còn được dạy hãy chạy đến với Chúa, tâm sự với Ngài và xin ơn sức mạnh để can đảm vượt qua. Chúa Giêsu đã là một người như chúng ta và Ngài cũng làm như vậy. Ngài không bước vào con đường Thương Khó một mình, Ngài tâm sự với Chúa Cha: Ngài xin Chúa Cha cất cho khỏi phải uống chén nhục hình, nhưng đồng thời cũng bày tỏ ý vâng phục Ý Cha trên hết. Thêm nữa, như Thánh Luca ghi chép: “Trong cơn hấp hối Ngài đã cầu nguyện tha thiết hơn và mồ hôi người chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất”. Thứ hai, khi trải qua cơn cám dỗ muốn thoái thác cuộc Thương Khó, Chúa đã trở lại chỗ các môn đệ mà đánh thức họ dậy, thôi thúc họ cầu nguyện để không sa chước cám dỗ. Điều này nói lên một sự thật, rằng cám dỗ luôn vây bọc con người, dù họ là bất cứ ai: Chúa, Phêrô, các môn đệ khác, hay linh mục, tu sĩ và giáo dân chúng ta hôm nay. Cả khi chúng ta đang ngủ, Satan vẫn miệt mài làm việc trên cuộc đời anh chị em của ta, và rồi sẽ làm như vậy ngay cả khi chúng ta tỉnh táo nhưng lại thiếu ý thức về sự hiện hữu của Chúa và những cơn cám dỗ của Satan. Thứ ba, thái độ của những môn đệ thân thương ngày hôm nay là đỉnh điểm nỗi thống khổ cùng cực của Chúa: Bị các môn đệ thân tín bỏ rơi Bị Phêrô chối bỏ Bị Giuđa phản bội…
Còn gì đau xót và thống khổ cho bằng khi bị chính những người thân bỏ rơi, chối bỏ và phản bội? Tuy nhiên chúng ta có quyền hy vọng vì dù chúng ta có yếu đuối như thế nào, có phụ ân tình Ngài ra sao thì ánh nhìn của Chúa vẫn hướng về ta để thức tỉnh lòng mỗi người biết trổi dậy và nhớ lại mình đã được yêu như thế nào. SUY TƯ Chúa Giêsu đã trải qua những cơn thống khổ vì vâng phục Thánh Ý Chúa Cha: hiến mình hy sinh cứu chuộc nhân loại. Ba sự thống khổ đó là cô độc, bị chối bỏ và bị phản bội từ những môn đệ thân tín của mình. Tôi có kinh nghiệm bị loại trừ, bị chối bỏ và bị phản bội từ chính những người thân quen của mình không? Nếu có, tôi đối diện ra sao? Những lúc đau khổ, cô đơn, bị bỏ rơi… tôi làm gì? Có như Chúa mà cầu nguyện tha thiết hơn không? Tôi có dám đón nhận những chén đắng trong cuộc đời và nhận ra đó là Thánh Ý Chúa Cha không? CẦU NGUYỆN Lạy Chúa, Chúa đã trải qua những thống khổ trong thân phận con người, và Chúa biết rõ những nỗi thống khổ của con, xin thương xót nghe lời con cầu nguyện: Xin giúp con đón nhận những đau khổ xảy đến bằng thái độ vui mừng trong hy vọng, kiên nhẫn lúc gian truân và chuyên cần trong cầu nguyện (Rô-ma 12,12) Xin tình yêu dịu dàng của Chúa an ủi những ai ngày hôm nay vẫn đang là nạn nhân của chiến tranh, thiên tai, bất công và những đam mê của tính xác thịt. Xin ban bình an và chữa lành những thương tích của bao con tim vì yêu thương hết tình mà vẫn bị phản bội. Và cuối cùng, xin tháp nhập nỗi đau của con vào trong nỗi thống khổ thánh thiện của Ngài, vì con tin: với Chúa và trong Chúa, mọi sự đều sinh ích cho con và phần rỗi các linh hồn. Xin Chúa giúp con luôn vững tin và trung thành vào Chúa, như Chúa đã nêu gương cho chúng con qua Cuộc Thương Khó của Ngài. Amen.
Quỳnh Thoại, CĐM