Ngày 11 tháng 2
LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
- ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Buổi sáng ngày 11 tháng 02 năm 1858 tại Lộ Đức, một thị trấn nhỏ nằm ở miền Nam Nước Pháp, trời lạnh như cắt, cô Bernadette Soubirous cùng với hai người em khác tự nguyện ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi. Bernadette vừa lên 15 tuổi. Nhưng cô chưa biết đọc và biết viết. Cô vừa mới cắp sách đến trường của các sơ được một thời gian ngắn để học tiếng Pháp, bởi vì trong miền cô đang ở, mọi người đều nói một thứ tiếng thổ ngữ khác với tiếng Pháp. Hôm đó là ngày thứ năm, cô được nghỉ học. Mặc dù bệnh suyễn đang hoành hành, nhưng nghĩ đến cảnh nghèo túng của gia đình, nên Bernadette đã xin phép mẹ được đi nhặt củi.
Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng thứ năm đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới lần mò tiến về một hang động gần đó mà dân làng có thói quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay với công việc nhặt củi, thì từ trong hang một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ xuất hiện. Theo lời mô tả của Bernadette, thì người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ mỉm cười.
Trong cơn xúc động bồi hồi, như một cái máy, Bernadette đã lôi tràng hạt từ trong túi áo ra và cô bắt đầu đọc kinh kính mừng bằng ngôn ngữ quen thuộc của cô. Trong ánh mắt chan hoà yêu thương, người thiếu nữ chỉ mỉm cười. Bernadette vừa lần xong chuỗi mân côi, người thiếu nữ đưa tay làm dấu cho cô tiến lại gần hơn. Nụ cười vẫn chưa tắt trên môi người thiếu nữ. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn..
Ba ngày sau đó, sau khi đã có tiếng xì xầm về tiếng lạ đó, bà mẹ của Bernadette nghiêm cấm không cho con gái mình trở lại hang Massabielle nữa. Nhưng do một sự thúc đẩy không thể cưỡng bức được, Bernadette đã trở lại chỗ cũ cùng với mấy chị em cô. Lần này khi người thiếu nữ áo trắng xuất hiện, cô đã mạnh dạn hô lớn: “nếu người đến từ Thiên Chúa, xin người hãy ở lại”. Người thiếu nữ mỉm cười gật đầu. Đây là lần thứ hai người thiếu nữ áo trắng hiện ra với cô. Lần thứ ba cũng xảy ra như thế vào 18.02 và liên tiếp trong vòng 15 ngày, Bernadette diễm phúc được Đức Maria hiện ra và tỏ lộ cho cô một danh tánh vô cùng kỳ lạ của Bà“Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên tội”.
Từ nơi cô cầu nguyện mỗi khi Đức Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi tật bệnh.
Đó là nguồn gốc hang Đức Mẹ lộ đức. ngày nay, từng giờ, từng phút khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến để cầu nguyện và xin ơn. Đến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để đốt lên một ngọn nén và quỳ gối cầu nguyện.
Hiện nay, khắp nơi trên thế giới đều có những hang lộ đức được thiết kế một cách tương tự để nhắc nhở biến cố này cũng như kêu gọi lòng tôn sùng mẫu tâm.
- SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN.
Nhân việc cử hành Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ XXIX vào ngày 11/02/2021, lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức,Đức Thánh Cha Phanxicô có gửi một sứ điệp rất dài và cũng rất hay nhưng ở đây trong giới hạn của một bài suy niệm, tôi chỉ xin trích một ít đoạn quan trọng.
- Trước Ngài cho biết sở dĩ có sứ điệp hôm nay là để nói lên sự quan tâm đặc biệtcủa Giáo Hội đến những bệnh nhân và những người trợ giúp cũng như chăm sóc họ ở những cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng như trong các gia đình và cộng đoàn nhất là những người đang đau khổ và tiếp tục đau khổ, bởi ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu virus corona, đặc biệt là người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội.
- Tiếp đến Đức Thánh Cha lên án lối sống đạo giả hình. Người nói: “Khi đức tin của chúng ta chỉ là những lời nói suông trống rỗng, không quan tâm đến cuộc sống và nhu cầu của người khác, thì nó sẽ không có sự nhất quán giữa kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng và đời sống của chúng ta.
Trước nhu cầu của các anh chị em, Chúa yêu cầu chúng ta dừng lại và lắng nghe, kiến tạo mối tương quan trực tiếp và cá nhân với người khác, cảm thông và động lòng trắc ẩn, và để cho những đau khổ của họ trở thành đau khổ của chính chúng ta khi chúng ta tìm cách phục vụ họ (x. Lc 10,30-35).
- Kế tiếp Ngài cho biết: “Bệnh tật luôn có nhiều hơn một khuôn mặt: nó có khuôn mặt của tất cả những người bệnh, nhưng cũng có khuôn mặt của những người cảm thấy bị phớt lờ, bị loại trừ và làm mồi cho những bất công xã hội đã từ chối các quyền cơ bản của họ (x. Fratelli Tutti, 22). Đầu tư nguồn lực vào việc chăm sóc và trợ giúp người bệnh là một ưu tiên được liên kết với nguyên tắc cơ bản là sức khỏe là công ích hàng đầu.
- Tình liên đới và tương quan huynh đệ
Ở đây, tôi muốn đề cập đến tầm quan trọng của tình liên đới huynh đệ, được thể hiện cách cụ thể trong phục vụ và có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tất cả đều hướng đến việc hỗ trợ những người lân cận của chúng ta. “Phục vụ có nghĩa là chăm sóc… cho những người dễ bị tổn thương trong gia đình, trong xã hội và trong người dân của chúng ta” (Bài giảng ở Havana, ngày 20/9/2015). Phục vụ là luôn nhìn vào khuôn mặt của người anh em, đụng chạm vào da thịt họ, cảm nhận sự gần gũi của họ và thậm chí trong một số trường hợp, ‘chịu đựng đau khổ của họ’, và tìm cách thăng tiến họ. Phục vụ không bao giờ là ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ các ý tưởng nhưng phục vụ con người.”(sđd).
- Để một cách thế trị liệu có hiệu quả, nó phải có khía cạnh tương quan, vì điều này cho phép một cách tiếp cận toàn diện với bệnh nhân. Việc nhấn mạnh khía cạnh này có thể giúp các bác sĩ, y tá, chuyên viên và tình nguyện viên cảm thấy có trách nhiệm đồng hành cùng bệnh nhân trên con đường chữa bệnh dựa trên mối quan hệ tin cậy giữa các cá nhân (x. Điều lệ mới dành cho nhân viên chăm sóc sức khỏe[2016], 4). Điều này tạo ra một hiệp ước giữa những người cần được chăm sóc và những người cung cấp dịch vụ chăm sóc đó, một hiệp ước dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, sự cởi mở và sẵn sàng. Điều này sẽ giúp khắc phục thái độ phòng thủ, giúp tôn trọng nhân phẩm của người bệnh, bảo vệ tính chuyên nghiệp của nhân viên y tế và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với gia đình người bệnh.
- Cuối cùng Đức Thánh Cha kết luận: “Anh chị em thân mến, giới răn yêu thương mà Chúa Giê-su để lại cho các môn đệ của Người cũng được thực thi cụ thể trong tương quan của chúng ta với bệnh nhân. Một xã hội càng nhân văn hơn thì càng biết chăm sóc cách hiệu quả cho các thành viên yếu đuối và đau khổ nhất của mình trong tinh thần yêu thương huynh đệ. Chúng ta hãy cố gắng đạt được mục tiêu này, để không ai cảm thấy đơn độc, bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi.
Tôi phó dâng các bệnh nhân, các nhân viên y tế và tất cả những người quảng đại trợ giúp các anh chị em đau khổ của chúng ta cho Đức Maria, Mẹ của lòng Thương xót và Sức khỏe của bệnh nhân. Từ hang đá Lộ Đức và từ vô số đền thánh dâng kính Đức Mẹ trên thế giới, xin Mẹ nâng đỡ đức tin và đức cậy của chúng ta và giúp chúng ta chăm sóc cho tha nhân với tình yêu huynh đệ. Tôi chân thành ban phép lành cho từng người và tất cả anh chị em.
Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, 20/12/2020,
Chúa Nhật thứ IV mùa Vọng