MẸ NÀO CON NẤY.

Hội Dòng Suy Niệm

MẸ NÀO CON NẤY

Con Đức Mẹ phải giống như Đức Mẹ

 

  1. Giống Đức Mẹ ở Xin Vâng

Xin Vâng (Fiat) là tâm điểm độc đáo luôn theo Đức Maria suốt đời để soi sáng mọi khúc quanh, giúp Mẹ hiểu biết ý nghĩa đầy đủ của nó, giúp Mẹ hoàn toàn sống bởi sức mạnh của nó, nó định đoạt tất cả.

Thực vậy, Xin Vâng của Mẹ là ân sủng, là quà tặng Thiên Chúa ban cho Mẹ ngay từ giây phút đầu tiên Mẹ hiện hữu : ơn vô nhiễm nguyên tội. Xin Vâng là một hành vi tuyệt vời của Chúa Thánh Thần tác động trong Mẹ để Mẹ hiệp với Chúa Thánh Thần nói lên Xin Vâng, sau đó Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Mẹ. Lời Xin Vâng của Mẹ vừa là Xin Vâng trong tâm trí, vừa là Xin Vâng trong thân xác. Mẹ Xin Vâng để từ bỏ chính mình, và dành cho Thiên Chúa hoàn toàn sử dụng Mẹ tùy theo Ngài muốn.

Lời Xin Vâng của Mẹ có hình thức như một lời khấn hứa, lời khấn vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo, lời khấn sống trọn vẹn và thống nhất cả bên trong lẫn bên ngoài, không hai mặt, không nước đôi, không một mặt thì hãm mình khắc khổ, một mặt thì thoải mái tiện nghi… Xin Vâng của Mẹ được thiên thần nghe và chuyển về cho Chúa Cha để Ngài sai Chúa Con xuống thế, chuyển về cho Chúa Con để Ngài vâng ý Cha nhập thể làm người, chuyển về cho Chúa Thánh Thần để Ngài rợp bóng trên Mẹ, làm cho mẹ trở thành Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, để tất cả cùng thực hiện kế hoạch cứu chuộc loài người. Lời Xin Vâng của Mẹ kết hợp với lời Xin Vâng trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài, làm thành lời cầu nguyện của cả Giáo hội, cầu cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Con Đức Mẹ giống Đức Mẹ ở Xin Vâng, để cùng với Đức Mẹ và Chúa Giêsu Con Mẹ làm cho mọi người “nghe lời Thiên Chúa và đem ra thi hành”. (xem Lc 8, 21).

  1. Giống Đức Mẹ ở Ngợi khen

Bài Ngợi khen (Magnificat) là bài ca Đức Mẹ vui sướng công khai ca tụng Thiên Chúa vì biết bao điều cao cả Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, từ việc ban cho Mẹ ơn vô nhiễm nguyên tội, đến việc chọn Mẹ làm Mẹ Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc loài người. Đây là sứ mệnh Thiên Chúa trao mà Mẹ phải công bố cho hết mọi người, từ đời nọ đến đời kia ; đây cũng là ân sủng Thiên Chúa dành cho Mẹ, khi Mẹ là thành phần của Dân Chúa, Mẹ nhớ tới lời Thiên Chúa hứa từ ngàn xưa, sau khi con rắn cám dỗ bà Evà, là “sẽ cho người đạp dập đầu con rắn”. Rồi Mẹ nhớ đến việc Thiên Chúa chọn ông Abraham để lập thành dân riêng của Thiên Chúa, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời. Ông Abraham đã tin Chúa, nay Mẹ cũng tin Chúa, và Mẹ còn nhận sứ mệnh sinh thành dưỡng dục Đấng cứu chuộc nhân loại. Thời gian Mẹ mang thai Chúa Giêsu là thời gian Mẹ chiêm niệm Con của Mẹ, lắng nghe Con của Mẹ. Đồng thời cũng là thời gian Mẹ hoạt động, vì Mẹ đi thăm bà Êlisabét để đem Chúa Con đến cho bà, và Mẹ công khai ca ngợi Thiên Chúa. Khi mang Chúa Con đến cho người khác là Mẹ làm công việc mà sau này Giáo hội Chúa mang Thánh Thể Chúa cho mọi người.

Con Đức Mẹ giống như Đức Mẹ ở Ngợi khen tạ ơn lòng thương xót của Thiên Chúa, và đem Chúa Giêsu đến cho mọi người.

  1. Giống Đức Mẹ ở tư cách làm mẹ.

Lời Xin Vâng của Đức Mẹ đáp lại ân sủng của Thiên Chúa đã chọn Mẹ, và đáp lại Chúa Thánh Thần để ngài rợp bóng trên Mẹ cho Chúa Con xuống thế làm người. Khi Mẹ đi thăm bà Êlisabét có Chúa Con đang ở trong lòng Mẹ, và đứa con trong lòng bà Êlisabét phải nhảy lên khiến bà Êlisabét liền kêu lớn tiếng : “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này.” (xem Lc 1, 43). Bà Êlisabét đã công khai nói lên Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, và chính “tư cách làm Mẹ của Chúa Giêsu” đã trở thành chìa khóa mở ra cho ta hiểu tất cả mọi mầu nhiệm khác về Mẹ. Các mầu nhiệm về Mẹ đều có bản chất, có phương thế, có giải pháp trong Chúa Con. Mẹ mang Chúa Con và làm cho Con của ân sủng hình thành trong Mẹ, và chính Mẹ cũng để cho chính mình được mang và hình thành bởi ân sủng. Chúa Con phát triển trong Mẹ và Mẹ được triển nở bởi Chúa Con. Khi chọn Mẹ là Mẹ, Chúa Con đã cứu chuộc Mẹ và nhận được sự sống từ Mẹ. Còn tư cách làm Mẹ của Mẹ, Mẹ đã dành trọn vẹn cho Chúa sử dụng để hoàn thành việc cứu chuộc mọi người. Cho nên Mẹ trở thành Mẹ Đấng cứu chuộc, và Mẹ công cuộc cứu chuộc, đồng thời là Mẹ của mọi người được cứu chuộc. Nhờ tư cách làm Mẹ Đấng cứu chuộc mà anh em của Chúa Giêsu cũng trở thành những người mẹ của Chúa như chính Chúa đã phán : “Mẹ Tôi và anh chị em Tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thi hành.” (xem Lc 8, 21).

Con Đức Mẹ giống Đức Mẹ ở tư cách làm mẹ vì Con Đức Mẹ đã khấn Xin vâng, khấn vâng phục, khiết trinh, khó nghèo. Con Đức Mẹ là phụ nữ như Đức Mẹ, có tư cách làm mẹ. Đức Mẹ thì đã nói với thiên thần : “Việc ấy (làm mẹ) sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng.” (xem Lc 1, 34). Còn nữ tu Con Đức Mẹ

đã khấn “không biết đến việc vợ chồng”, mà hàng tháng vẫn có cơ hội để làm mẹ về phần xác, thì nữ tu thay vì có mặc cảm tội lỗi, nên lặp lại lời khấn vào cơ hội đó để tự hào mình đã tự nguyện hiến thân trọn vẹn cho Chúa trong công cuộc cứu chuộc mọi người.

  1. Giống Đức Mẹ ở “đứng kề thập giá Chúa Giêsu”.

Đức Mẹ Xin Vâng để đáp lại ân sủng Chúa đã “làm cho Mẹ biết bao điều cao cả” mà điều cốt yếu nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ đã sinh thành dưỡng dục Chúa Giêsu : năm 12 tuổi đã hỏi Con : “Sao Con lại xử với cha mẹ như vậy?” (xem Lc 2, 48); và Chúa Con đã góp phần giúp Mẹ hình thành chính Mẹ khi nói với cha mẹ: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (xem Lc 2, 49). Lúc đó cha mẹ không hiểu gì mà chỉ ghi nhớ trong lòng. Về sau Mẹ được nghe Chúa Con nói : “Mẹ Tôi và anh chị em của Tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thi hành.” (xem Lc 8, 21). Đến khi Mẹ tiến lên với Chúa Con trên đường vác thập giá, con đường khó khăn và sầu khổ, rồi dừng bước đứng kề thập giá nơi Con Mẹ bị đóng đinh vào, Mẹ dần dần hiểu sâu hơn sứ mệnh của Con Mẹ. Khi Mẹ nghe Con Mẹ cầu xin cho các lý hình rằng : “Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (xem Lc 23, 34); khi Mẹ nghe Con Mẹ nói với anh trộm lành : “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (xem Lc 23, 43); rồi Mẹ còn nghe Con Mẹ thốt lên : “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (xem Mt 27, 46), Mẹ cảm thấy câu hỏi ấy cũng là câu hỏi của Mẹ. Nhưng thực ra Thiên Chúa không bỏ rơi Chúa Con, không bỏ rơi Mẹ, vì Thiên Chúa đã ban ân sủng cho Mẹ không phải suy sụp xuống, nhưng Mẹ can đảm đứng vững gần bên Chúa Con để nâng đỡ an ủi Chúa Con cho tới cùng. Mẹ đã chứng tỏ Mẹ có tư cách làm mẹ hơn bao giờ hết để chu toàn sứ mệnh.

Con Đức Mẹ giống Đức Mẹ ở đứng kề thập giá Chúa Giêsu, để cùng với Chúa Giêsu và cùng với Đức Mẹ chia sẻ buồn sầu, đau khổ khi thi hành sứ mệnh tha thứ, thương xót, cảm thương đối với những người nghèo tại các họ đạo thôn quê. (Sách Hội Dòng Con Đức Mẹ trang 18).

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng.