Chúa Nhật Tuần XXVII – Mùa Thường Niên: TÌM LẠI NỀN TẢNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Suy Niệm

Chúa Nhật Tuần XXVII – Mùa Thường Niên

TÌM LẠI NỀN TẢNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Các bạn thân mến!

Cách đây khoảng gần 2 năm khi tôi có dịp về quê ăn Tết và vô chào cha xứ thì nghe cha xứ chia sẻ rằng: “Giáo xứ chúng ta có hơn 300 cặp gia đình có vấn đề.” Nếu là một người bi quan thì tôi sẽ cho rằng đời sống hôn nhân gia đình công giáo đang bị suy giảm giá trị. Nếu tôi là một người lạc quan tôi sẽ cho rằng còn biết bao nhiêu gia đình hạnh phúc thì sao. Vấn đề mà tôi muốn chia sẻ đó là vậy hiện thực đó nói cho tôi điều gì và Chúa Giê-su sẽ phản ứng ra sao khi Ngài đối diện với tình huống tương tự. Hiện thực này mời gọi tôi trở về với nền tảng của hôn nhân công giáo và đặt mình trong cái nhìn của Thiên Chúa khi Ngài chiêm ngắm nhân loại này. 

Trước hết, nếu các bạn hỏi một cặp bạn trẻ mới học giáo lý hôn nhân xong về nguồn gốc, mục đích và ý nghĩa của hôn nhân Công Giáo là gì thì đa phần đều trả lời rất đúng. “Hôn nhân công Giáo là một bí tích do chính Chúa thiết lập để kết hợp hai người nam nữ thành vợ chồng, chung thủy yêu thương nhau và để họ sống xứng đáng với ơn gọi của mình.” [1] Bài đọc I trong sách Sáng Thế cho thấy nguồn gốc siêu nhiên và mối liên hệ hỗ tương của đời sống vợ chồng.

“Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng… Đức Chúa rút cái xương sườn làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.” [2]

Bản chất của con người là sống trong mối tương quan tình yêu và trao ban sự sống. Điều này sẽ được biểu lộ và diễn tả cách cụ thể tùy theo mỗi bậc sống. Nếu tôi sống trong bậc sống gia đình thì cách tôi sống mối liên hệ của tình yêu và trao ban sự sống sẽ khác với việc tôi sống trong đời sống dâng hiến. Nếu tôi sống trong bậc sống gia đình thì tình yêu của tôi dành cho người phối ngẫu của tôi và chăm sóc gia đình của mình. Nếu tôi là người sống trong đời sống dâng hiến thì tình yêu của tôi hướng đến việc phục vụ và sự sống của tôi được chuyển hóa qua những con người và những sứ mạng mà tôi được mời gọi dấn thân. Tuy nhiên đây là mối liên hệ mang tính nguyên thủy và thuộc về bản chất của con người. 

Bài Tin Mừng tiếp tục củng cố nguồn gốc siêu nhiên và ý nghĩa của hôn nhân Công Giáo qua lời dạy và lối sống của Chúa Giê-su. “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” [3] “Đức Ki-tô đã yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh.” [4] Như thế mối dây hôn phối được củng cố bởi lời và chính hành động của Chúa Giê-su. Giáo Huấn của Đức Thánh Cha trong Tông Huấn Amoris Laetitia tiếp nối Giáo Huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói về yếu tính của gia đình phản ảnh mối hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Thiên Chúa-Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy. Những lời sau đây của thánh Gioan-Phaolô II soi sáng cho chúng ta: ‘Thiên Chúa trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài không đơn độc nhưng là một gia đình vì lẽ Thiên Chúa trong Ngài có Cha, có Con và có Yếu tính của gia đình, tức là Tình Yêu. Trong gia đình thần linh, tình yêu này chính là Chúa Thánh Thần’[5] Như thế, gia đình không là điều gì xa lạ với chính – yếu tính thần linh. Khía cạnh tam vị này nơi cặp vợ chồng có một hình ảnh mới mẻ trong thần học của Phaolô khi thánh Tông đồ đặt gia đình trong tương quan với ‘mầu nhiệm’ kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh (x. Ep 5, 21-33).” [6]

Như thế, vấn đề của Hôn Nhân Công Giáo mà một số gia đình trẻ gặp phải không phải là vấn đề nền tảng nhưng là vấn đề luân lý và áp dụng nền tảng ấy trong đời sống của mình. Vấn đề mà tôi cũng cần suy nghĩ thêm là cách tôi ý thức, chuẩn bị và sống nền tảng hôn nhân Công Giáo trong đời sống thực tế của tôi ra sao? Cách tôi mang những giá trị này vào những mối tương quan cụ thể của tôi thế nào vẫn là điều mà bạn có thể tiếp tục suy nghĩ? Vấn đề đặt ra là Thiên Chúa đã làm gì khi đối diện với những trạng huống gây nên khủng hoảng của hôn nhân con người.

Thiên Chúa tìm cách cứu con người. Khi đối diện với cuộc khủng hoảng hôn nhân hay một mối quan hệ bạn thường có 3 cách phản ứng. Bạn thường tìm cách truy tìm nguyên nhân, đổ lỗi kết án hay tìm cách để làm cho nó trở nên tốt hơn. Đôi khi chính cách phản ứng của tôi với các thành viên trong gia đình của mình làm cho không khí và bầu khí gia đình thêm căng thẳng. Nguyên nhân của những căng thẳng thường là do việc thiếu chiều sâu, thiếu tình yêu và thiếu sự liên kết đối thoại. 

Thiếu chiều sâu, thiếu đời sống cầu nguyện sẽ dẫn đến việc không nhận ra nền tảng siêu nhiên và ý nghĩa nơi đời sống hôn nhân gia đình. Thiếu tình yêu, những công việc tôi làm cho gia đình sẽ trở nên nặng nề và thiếu sức sống. Kết quả là tôi thực hiện đầy đủ tất cả những nghĩa vụ và bổn phận mà tôi không cảm thấy được niềm vui và sự thanh thản thật sự. Khi những thách đố và những cám dỗ xảy ra tôi dễ dàng phá vỡ mối dây liên kết. Thiếu tình yêu sẽ thiếu sự tha thứ và quảng đại. Thiếu tình yêu sẽ dẫn đến việc thiếu chung thủy. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những đổ vỡ trong đời sống gia đình. Cũng thế, thiếu sự liên kết và đối thoại sẽ làm cho hôn nhân gia đình trở nên nguội lạnh, ngột ngạt. 

Trong Tin Mừng Chúa Giê-su chỉ ra những nguyên nhân gây ra những đổ vỡ và rạn nứt trong đời sống gia đình. “Vì các ông lòng chai dạ đá chứ thuở ban đầu không có vậy đâu.” Những nhà thông luật thời Chúa Giê-su thường dựa vào Sách Đệ Nhị Luật để hợp lý hóa cho việc ly dị. Đôi khi việc giải thích sách này lại thiếu tính khách quan, mặc khải và bị thiên lệch. Điều này dẫn đến những thiệt thòi và sự thiếu công bằng cho những người phụ nữ thời Chúa Giê-su.  Thực tế cuộc sống hôm nay cũng có nhiều gia đình gặp không ít những đau khổ. Những đau khổ mà một người hoặc gia đình phải chịu có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân của những đau khổ trong đời sống gia đình có thể đến từ sự mỏng giòn nơi thân phận con người, sự xung đột, sự mất mát, sự thiếu thốn, sự thiếu chung thủy trong hôn nhân, sự nghèo khổ. Tuy nhiên nhìn sâu vào nguyên nhân chính dẫn đến sự xung đột và sự đỗ vỡ trong một mối tương quan bạn nhận ra đó là sự dữ, là “lòng chai dạ đá.” Con người chạy theo những đam mê và muốn áp đặt ý chí của mình lên ý Chúa. Sâu xa hơn đó là việc con người khước từ giá trị thiêng liêng, con đường và lối sống của Chúa. Nói một cách đơn giản, mô thức và bóng dáng của tội nguyên tổ tồn tại trong mọi mối tương quan. Vấn đề là phạm vi và sự ảnh hưởng của nó ra sao mà thôi.

Đâu là cách Thiên Chúa phản ứng trước những khủng hoảng của đời sống con người? Ngài muốn cứu con người. Ngài ôm ấp con người. Ngài trao ban Chúa Giê-su cho tôi. Chúa Giê-su chấp nhận mang lấy những đau khổ, đổ vỡ, những bất toàn nơi đời sống và những mối tương quan của con người vào trong thân thể mình để thánh hóa và biến đổi chúng. 10 Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ.” [7] Những đau khổ qua lăng kính tình yêu và sự hủy mình phát sinh sự sống và ánh sáng. Chính Đức Giê-su đã chấp nhận chịu hy sinh và hiến mình vì Hội Thánh và vì bạn để chính sự hy sinh đó đem lại sự hòa giải, ơn công chính hóa và sự chữa lành cho đời sống cá nhân và đời sống gia đình.

Như thế nguyên nhân của những đổ vỡ trong tương quan và đời sống gia đình là sự dữ, là việc khước từ con đường của Chúa, là “lòng chai dạ đá.” Con người muốn dựa vào ý chí phàm nhân để áp đặt lên ý Chúa. Thay vì chọn lựa một lối sống với “lòng chai dạ đá” thì tôi được mời gọi mang lấy tâm tình và thái độ của Chúa Giê-su. Thái độ của Chúa Giê-su đó là yêu cho đến cùng. Ngài đã hiến thân vì Giáo Hội vì vâng phục Cha và vì nhân loại. Ngài yêu mến Giáo Hội bằng một tình yêu trọn vẹn, vô điều kiện và bền vững. Nếu tôi đặt tâm tình của Chúa Giê-su trong mọi mối tương quan nhất là trong tương quan giao ước vợ chồng, dâng hiến thì Nước Trời đang hiện diện. Nói cách khác, bất cứ mối tương quan nào dù là gia đình hay đời sống dâng hiến, noi theo lối sống, tâm tình của Chúa Giê-su thì nơi đó có Nước Trời. Phải chăng đây là lý do giúp mang lại hạnh phúc cho gia đình và cho mọi mối tương quan. Dù thực tại đời sống của tôi ra sao tôi vẫn có niềm hy vọng khi nhìn đến tình yêu của Đức Ki-tô dành cho Hội Thánh. Đây là cánh cửa và là ánh sáng mở ra cho hạnh phúc đời tôi. 

Lm. Gioan Phạm Duy Anh, S.J.

Nguồn: dongten.net

[1] Theo: https://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/honnhangiadinh/Bai02.htm

[2] St 2, 18, 21-22

[3] Mc 10, 9

[4] Eph 5, 25-27

[5] AAS 71[1979], 184

[6] Đức Thánh Cha PHANXICÔ, Tông huấn AMORIS LAETITIA, 19-3- 2016, 11

[7] Hr 2, 10