Thứ Tư tuần 29 thường niên.
Lời Chúa: Lc 12, 39-48
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.
Suy niệm: Tỉnh Thức Trong Phục Vụ
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Danh họa Ý Leonard de Vinci có kể một dụ ngôn:
Giữa một ngôi vườn xinh tươi, có một cây sồi cao, chung quanh là một rừng cây. Cây sồi ngày một lên cao ngạo nghễ. Một hôm, từ trên nhìn xuống, nó ra lệnh cho người làm vườn đốn những cây chung quanh, vì chúng làm vướng víu, quấy rầy và che bóng của nó. Và như thế, cây sồi loại hết mọi cây cỏ để chỉ còn một mình bá chủ ngôi vườn. Thế nhưng một ngày kia, một trận cuồng phong nổi lên, không còn cây cối chung quanh chống đỡ cho bớt gió, cây sồi ngả rạp giữa vườn và chết một cách thê thảm.
Số phận của những người chà đạp người khác để tiến thân cũng giống như cây sồi trong dụ ngôn trên đây. Người ta thường nói: “Trèo cao, té nặng”, bởi vì để lên cao, họ đã đạp đổ tất cả người khác, đến độ khi trượt chân té ngã, họ không còn ai nâng đỡ họ.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.
Do phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì “cho thì có phúc hơn là nhận”. Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.