CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN A

Suy Niệm

CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN A

Lời Chúa: Mt 10, 37-42

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.

Suy niệm: Đòi hỏi người môn đệ – Huệ Minh

Trang Tin Mừng hôm nay nói rất rõ. Chúa Giêsu tuyên bố: ai yêu mến cha mẹ, con cái hơn Người thì không xứng đáng là môn đệ của Người. Và Người còn đòi hỏi hơn nữa khi tuyên bố tiếp theo: “Kẻ không vác lấy khổ giá mình mà theo Ta, ắt không xứng với Ta”. Nếu được phép làm một phân tích văn chương nho nhỏ, chúng ta có thể nói các đòi hỏi đã được đưa ra càng ngày càng gắt gao hơn. Ðầu tiên Chúa chỉ đòi người môn đệ phải yêu Người hơn cha mẹ; rồi Người bảo họ phải yêu Người hơn cả con cái là những giọt máu của chính bản thân mình; cuối cùng Người lại buộc họ phải vác lấy khổ giá mà đi theo Người tức là phải yêu Người đến nỗi không sợ chết và dám bỏ mạng sống vì Người.

Ta thấy các tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn để trở nên những sứ giả của lòng thương xót Chúa. Họ còn được Chúa dặn dò phải vững tin ở sự quan phòng đầy tình thương và quyền năng của Chúa, để không sợ hãi trước bất cứ thế lực trần gian nào và kiên trung chu toàn sứ vụ đã được Chúa trao ban. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tỏ cho các tông đồ biết, vì được chính Chúa kêu gọi, tuyển chọn và sai đi để thực hiện sứ vụ của chính Ngài nên họ thực sự là những ngôn sứ của giao ước mới. Và vì thế, tiếp đón họ cũng là tiếp đón chính Chúa Kitô và tiếp đón chính Thiên Chúa.

Có thể nói nội dung bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh một chữ YÊU. Và các môn đệ Đức Giêsu được mời gọi phải làm cho tình yêu mình dành cho Thầy sinh những quả ngọt trái lành như đã được liệt kê lần lượt trong bản văn.

Trước hết, tình yêu cho hoa trái đầu tiên của nó là sự phân rẽ xem ra cay nghiệt hơn cả việc đối đầu và loại trừ như đã thấy trong các cuộc xung đột hay chiến tranh, đó là sự phân rẽ giữa cha mẹ với con cái và với người thân trong nhà. Điều này đau đớn khác nào cắt từng khúc ruột mỗi người.

Ta thấy tình yêu đòi sự ưu tiên xem ra quá sức người, đó là phải đặt Chúa lên trên cả đấng sinh thành và dưỡng dục mình. Tiếp theo đó, tình yêu đòi phải mở cửa lòng tiếp nhận không chỉ chính Chúa, mà là những người được Chúa sai đến, rồi lại cả những người nghèo hèn bé nhỏ.

Người yêu cầu phải “ghét” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Chẳng phải là điều răn yêu thương người thân cận đã bị đảo lộn rồi sao? Nghĩa là để đi theo Đức Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự ghét bỏ đối với họ? Nhưng ý nghĩa của từ “ghét” ở đây được làm sáng tỏ nhờ Mt 10,37: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”. Điều này có nghĩa là ai muốn đi theo Đức Giêsu thì phải yêu mến Người hơn tất cả những người khác, kể cả những người gần gũi với mình nhất. Người ấy lại còn phải yêu mến Người hơn cả chính bản thân mình. Đức Giêsu yêu cầu người ta dành cho Người một vị trí đặc biệt và duy nhất. Vì thế, “ghét” đây cũng có thể phải hiểu là “dứt khoát” với những quan hệ nào đó nếu can, để có thể trung thành với Tin Mừng. Chính tương quan duy nhất với Đức Giêsu sẽ điều hành mọi tương quan của ta với những người khác.

Như lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ trong tin mừng hôm nay, khi chúng ta tiếp đón các tông đồ và các giáo huấn của các ngài, chúng ta tiếp đón chính Chúa Kitô và giáo huấn của Ngài. Các tông đồ của Chúa Kitô ngày nay chính là các giám mục–những người kế vị các tông đồ ngày xưa–có sự thông hiệp trọn vẹn với đức giáo hoàng, đấng kế vị Thánh Phêrô và là Vị Ðại Diện Chúa Kitô làm Ðầu Hữu Hình của Hội Thánh ở trần gian. Trong sự hiệp thông với đức thánh cha và các đức giám mục, tất cả các linh mục, phó tế vàø mọi tín hữu trong Hội Thánh cũng được thông dự vào sứ vụ của các tông đồ theo những mức độ và chiều kích khác nhau tùy đấng bậc mình để phục vụ và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Khi tỏ lòng kính yêu và vâng phục các vị thẩm quyền đang phục vụ Hội Thánh, chúng ta thực sự tỏ lòng kính yêu và vâng phục chính Chúa Kitô và được lãnh nhận tất cả những phúc lộc Thiên Chúa dành cho những tín hữu chân thực của Người. Trái lại, phủ nhận hay chống đối Huấn Quyền của Hội Thánh cũng là phủ nhận và chống đối Chúa Kitô và giáo huấn của Người. Ðây cũng là điều Ðức Cha Nguyễn Văn Thuận đã ân cần khuyên nhủ chúng ta trong tác phẩm Ðường Hy Vọng của ngài: “Suốt đời con hãy ghi lòng tạc dạ: luôn luôn kính trọng người của Hội Thánh, bí tích của Hội Thánh, chỉ thị của Hội Thánh, phụng vụ của Hội Thánh. Chúa sẽ chúc lành cho con” (# 266).

Nói cách khác, Chúa đòi người môn đệ phải từ bỏ tất cả, ngay cả mạng sống mình để đi theo và yêu mến Người. Người không cho phép môn đệ nào được lấy cớ yêu cha yêu mẹ, yêu con cái hay sự sống của mình mà từ chối với Người một điều gì khiến Người thấy tình yêu của môn đệ đối với Người chưa thật hoàn toàn và Người chưa là tất cả đối với họ. Người đòi hỏi tình yêu tuyệt đối, nên Người không nhận làm môn đệ những kẻ muốn đi theo Người nhưng lại còn xin phép về nhà lo an táng cha hay thu xếp những công việc khác. Người có thể đòi hỏi như thế bởi chính Người đã từ bỏ tất cả vì môn đệ và để cho người ta trở thành môn đệ. Chúng ta đã thấy Người đã nộp mình chịu chết cho những kẻ Người thương yêu như thế nào. Tình yêu lớn lao như vậy và tuyệt đối như thế chỉ thấy người môn đệ xứng đáng khi họ cũng yêu tuyệt đối và lớn lao như vậy.

Ai muốn đi theo Đức Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vì trân trọng ý muốn của Ngài, người ta phải chấp nhận đau khổ, tủi nhục, bị khinh bỉ và tất cả những gì đối lập lại với một cuộc đời thú vị, thậm chí đến chỗ mất mạng sống mình. Hẳn là chúng ta muốn tạo ra một hình thái Kitô giáo vừa tầm với chúng ta, làm chúng ta vui thích. Đức Giêsu nói với người ta rằng họ chỉ có thể bước theo Người theo những điều kiện của Người. Ai muốn thuộc về Đức Giêsu, thì phải quyết định theo Đức Giêsu toàn thể, với trọn con đường của Người.

Những đòi hỏi này của tình yêu dễ khiến tôi, bạn và anh chị mệt mỏi, dễ đặt ta vào tình cảnh nghi vấn, hoang mang không biết yêu như thế có ổn chăng, không biết mình có thể trung thành với đường yêu này đến bao giờ, dẫu rằng tâm ta vẫn thiện đủ để khát mong yêu Chúa, lòng ta vẫn sáng đủ để chọn cho mình một đối tượng và một cách yêu đúng đắn giữa muôn vàn sắc màu và cung bậc của tình yêu trong thời đại này.

Thật vậy, đáng lẽ ra, đã yêu thì phải nên một, đã thương thì phải đoàn kết. Đàng này, yêu lại gây chia lìa. Đơn giản là vì cách yêu của Chúa không như kiểu yêu phàm trần, vì lối yêu của Chúa là đường đẹp, đường thánh nhưng chẳng mấy ai thích đi. Đây chính là gốc rễ của chia rẽ và giáo gươm.

Thêm vào đó, còn những thách đố không hề nhỏ, đó là thách đố từ việc chỉ vì yêu Chúa mà nếu cần, ta lại phải sẵn sàng đặt tình cảm gia đình sang một bên mà dấn bước cho lòng mến Chúa, phải ngưng lo cho cha mẹ mà chu toàn bổn phận với Chúa.

Những nghịch lý trên khiến ta cảm nhận từ đáy lòng mình chút gì đó xót đau, khiếp khủng, thậm chí oan ngang mà không phải ai cũng có thể vượt qua.

Nếu yêu Chúa, ta có dám đứng một mình khi mọi người đứng ở phía đối diện chăng? Đó là lúc tất cả chọn oán thù mà ta lại muốn yêu thương. Đó là lúc ta muốn giữ lại bào thai trong bụng mình mà cha mẹ hoặc người chồng bắt ta phải phá. Đó là lúc ta chọn đến nhà thờ mà mọi người muốn ở nhà xem đá bóng. Đó là lúc ta muốn cất lên lời kinh tạ ơn sau một ngày mệt nhọc mà con cái ta lại muốn bật máy karaoke để giải trí…. Dám đứng một mình là đồng nghĩa với việc chấp nhận sự phân rẽ, chấp nhận sự đối đầu, chấp nhận bị loại trừ,…

Bước theo Đức Giêsu: hoặc là một cuộc bước theo trọn vẹn, hoặc chẳng phải là một cuộc bước theo. Người ta không được chỉ chọn ra một vài nét thuộc về hành trình của Đức Giêsu mà người ta thích. Hoặc là người ta sẵn sàng đi với Người trọn chuyến đi, hoặc có bắt đầu cũng chẳng ích gì. Thập giá của Đức Giêsu là dấu chỉ cụ thể về sự trung thành vô điều kiện của Người đối với thánh ý Chúa Cha, với định mệnh của Người và với sứ mạng của Người. Đối với Người, sự trung thành này còn quý giá hơn chính mạng sống Người.