THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Suy Niệm

THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Tin Mừng: Mc 16, 9-15

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

Suy niệm: Loan bao sứ điệp Phục Sinh 

Ngày 18/6/1815, Napoleon I đã bị liên minh Anh-Phổ đánh bại trận tại Waterloo. Tin thắng trận của tướng Wellington chỉ huy quân đội Anh đã được truyền về Luân Đôn bằng các tín hiệu. Thế nhưng, khi bản tin được ghi nhận người ta chỉ đọc được như sau: “Tướng Wellington bại trận”, bởi vì lớp sương mù dầy đặc khiến người ta không đọc được trọn vẹn bản tin và như vậy toàn nước Anh như rơi vào tuyệt vọng. Tuy nhiên, khi mặt trời lên, sương mù tan dần, người ta đã đọc được trọn bản tin: “Tướng Wellington đã đánh bại quân thù”. Chẳng mấy chốc sứ điệp được loan báo, ai nấy đều phấn khởi vui mừng.

Bản tin trên đây có thể so sánh với sứ điệp Phục Sinh. Ngày thứ sáu tuần thánh khi bị treo trên Thập giá Chúa Giêsu như kẻ bại trận. Nhưng buổi sáng Phục Sinh Ngài đã trở thành Đấng đánh bại quân thù. Đó là bản tin mà Maria Madalena và hai môn đệ Emmau mang đến cho các môn đệ khác. Nhiều người trong họ không tin, bởi vì tâm hồn họ còn trĩu nặng với bản tin thứ sáu tuần thánh, lớp sương mù dầy đặc của nghi nan chán nản đã không cho họ đọc được hết sứ điệp mà Đức Giêsu đã từng loan báo: “Ngài phải chịu đau khổ rồi mới vào vinh quang Phục Sinh, ngài phải chịu nhiều đau khổ… nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại”.

Sự Phục sinh của Đức Kitô là nền tảng là trọng tâm của niềm tin chúng ta. Nếu Đức Kiiô không sống lại, thì cái chết cũng như toàn bộ lời rao giảng và các phép lạ của Ngài đều trở nên vô ích. Nói như thánh Tông đồ Phaolô:  “Nếu Đức Kitô không sống lại thì niềm tin của chung ta chỉ là hão huyền và chúng ta là những người ngu xuẩn nhất”.

Đức Kitô đã sống lại  đó phải là trọng tâm của niềm tin và lời rao giảng của chúng ta. Kitô giáo không bao giờ tách biệt cái chết khỏi sự phục sinh của Đức Kitô. Lời tung hô sau mỗi lần truyền phép trong thánh lễ, Giáo Hội luôn nối kết cái chết với sự phục sinh: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.

“Hãy đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân”. Mệnh lệnh mà Chúa Gtêsu đã ban bố cho các môn đệ cách đây 2.000 năm, ngày nay cũng được truyền lại cho mọi Kitô hữu. Sứ điệp Phục Sinh mà các môn đệ truyền đến cho chúng ta để loan truyền đến mọi người. Không thể là người Kitô hữu mà lại không loan báo sứ điệp Phục Sinh. Tuy nhiên, sứ điệp Phục Sinh chỉ được loan báo cách trọn vẹn khi giữa những đau khổ, thử thách, người Kitô hữu vẫn thể hiện được niềm tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa; khi giữa những cảnh đời sấu xa chối bỏ lẫn nhau, người Kitô hữu vẫn một mực sống yêu thương, quảng đại, quên mình. Và ước gì, cả cuộc sống chúng ta trở thành sứ điệp Phục Sinh cho mọi người.