THỨ BA TUẦN 4 MÙA CHAY
Tin Mừng: Ga 5, 1-3a.5-16
Nhân dịp lễ của người Do thái, Ðức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hipri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Ðức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước khuấy lên. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Ðức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng và đi!” Người ấy lập tức trở nên lành mạnh, vác chõng và bước đi. Hôm đó lại là ngày sabát. Người Do thái mới nói với kẻ được lành mạnh: “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người đã làm tôi được lành mạnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng và đi!’” Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng và đi?’” Nhưng người đã được lành mạnh không biết là ai. Quả thế, Ðức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. Sau đó, Ðức Giêsu gặp người ấy trong Ðền Thờ và nói: “Này, anh đã trở nên lành mạnh. Ðừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Anh ta đi nói với người Do thái: Ðức Giêsu là người đã làm anh được lành mạnh. Do đó, người Do thái chống đối Ðức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát.
Suy niệm: Chữa người bại liệt
Lại một cuộc đối đầu sẽ đưa đến cái chết của Chúa Giêsu sau này cũng vẫn là vấn đề giữ luật, và về vấn đề sự sống còn của một người cũng cần phải được cứu chữa. Chúa Giêsu chỉ còn biết đứng về phía những người được yêu thương để ra tay cứu chữa họ. Ba mươi tám năm một mình một cõi, chịu bao nhiêu đau đớn, một thời gian không phải là ngắn ngủi, vậy mà người tê liệt ấy vẫn phải kiên trì, mặc dù đã qua nhiều lần lết xuống tới nước thì đã có người lết xuống tới nước trước mất rồi (Jn 5, 7); có thể anh ta chẳng có bà con thân thuộc gì hết hoặc là họ đã quá mỏi mệt mà bỏ rơi anh, dầu sao anh vẫn nằm đó.
Chúa Giêsu chữa anh và anh đã đứng dậy vác chõng ra đi. Cái chõng đã ba mươi tám năm từng đỡ nâng thân xác anh, nay chính anh đã vác nó để chứng minh anh đã khỏi và không cần đến nó nữa. Anh đã ra khỏi tình trạng nằm liệt để đứng dậy mà đi, rồi Chúa còn nhắn anh: “Này anh, bệnh anh đã được khỏi, đừng phạm tội kẻo phải khốn khổ hơn trước” (Jn 5, 14).
Lành bệnh và đừng phạm tội nữa, đó là điều mà do thời đó người ta quan niệm bệnh hoạn là do tội gây nên, chữa cho lành đồng nghĩa với giải thoát cho khỏi tội lỗi và hậu quả của tội. Chúa Giêsu đến là để giải thoát con người khỏi ảnh hưởng của thần dữ, trả lại cho chúng ta cương vị làm con cái của Thiên Chúa, nên Ngài tha thiết cho chúng ta cộng tác với ơn cứu độ của Ngài “Đừng phạm tội kẻo phải khốn khổ hơn trước”.
Ngày nay dưới ánh sáng của khoa học thì bệnh hoạn bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng một đời sống phóng đãng không đạo đức và không lành mạnh sẽ đưa đến tình trạng suy sụp sức khỏe và mắc nhiều chứng bệnh trầm trọng. Ngược lại, một đời sống thanh sạch, nghiêm túc, có điều độ sẽ mang lại cuộc sống lạc quan cho cuộc đời, cho nên dù muốn dù không, sự lành mạnh tâm hồn rất cần thiết cho sức mạnh thể xác. Vì vậy sau khi chữa lành bệnh nhân, Chúa thường xuyên dạy : “Đừng phạm tội nữa”.
Vã lại, nếu chúng ta lột da sống đời, nghĩa là chúng ta hoán cải cuộc đời, trở về với Thiên Chúa là Cha, hiện diện trước Ngài với một thân xác lành mạnh, với một tâm hồn tươi mát, chúng ta thấy mình sống hạnh phúc trong nhà Cha, luôn luôn nhận thấy Ngài hiện diện trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, Ngài không diện kiến trước mặt chúng ta như diện đối diện, nhưng chúng ta vẫn thấy Ngài hoạt động trong đời sống của mình. Như vậy, khi rời bỏ trần thế chúng ta chỉ rời bỏ Ngài theo cách trần gian hiểu, nhưng thực sự lúc đó chúng ta đang sống gần gũi thân mật với Ngài trong nhà Cha đích thật.
Thế nhưng, nếu chúng ta về lại với Cha, với một thân xác tiều tụy, một tâm hồn bệnh hoạn thì mặc dù Cha rất yêu thương, chúng ta vẫn cảm thấy ray rứt và bất xứng. Vào hoả ngục chẳng qua là mất Cha và mất anh em mình vĩnh viễn, một cách mất mát do mình gây nên, bởi vì đứng trước tình yêu vĩ đại của Cha và của anh em mà mình đã khước từ chấp nhận một sự mất mát to lớn ấy.
Mùa chay chúng ta có dịp nhìn lại mình và nhìn đến Chúa, đừng chấp nhận sự tê liệt “Hãy đứng dậy vác chõng mà ra đi” (Jn 5, 8). Hãy dứt khoát từ bỏ tình trạng tội lỗi của mình, và Thiên Chúa không bao giờ bỏ xa chúng ta miễn là “Đừng phạm tội nữa kẻo phải khốn khổ hơn”. Amen.